Điều gì đang xảy ra với ngành giáo dục?
Kinhte&Xahoi
Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành giáo dục liên tiếp xảy ra những vụ việc khó tin gây bức xúc dư luận. Đó là một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Và ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh. Và gần đây nhất là chuyện một cô giáo ở tỉnh Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10…
Không để “cháy nhà mới la làng”
Cần nghiêm khắc, quyết liệt với những kẻ dâm ô. Ảnh minh họa
Mặc dù các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng dường như vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục đã tới mức báo động. Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Vấn đề này đã được thực thi ở địa phương, nơi tuyển chọn, sử dụng và quản lý trực tiếp đội ngũ nhà giáo và các nơi cũng đã vào cuộc rất tích cực để xử lý những sai phạm.
Ở góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ, thực tế là thời gian gần đây xảy ra liên tục những vụ việc dâm ô, gạ tình học sinh là do các địa phương, trường học chưa có sự chọn lọc đúng người thực sự giỏi chuyên môn, đủ tư cách, đạo đức để dạy học.
Theo Tiến sĩ Tùng Lâm, đã đến lúc, ngành Giáo dục cần phải giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường học. Đặc biệt là quy trách nhiệm trực tiếp cho hiệu trưởng trong việc tăng cường bồi dưỡng tư cách, đạo đức cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát sàng lọc giáo viên. Đừng để đến khi “cháy nhà thì mới la làng” mà phải có giải pháp căn cơ từ trong khâu tuyển dụng, đãi ngộ người giỏi, có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt để giảng dạy.
Theo thầy Lâm, hiện ở các trường Đại học chủ yếu vẫn là giảng dạy lý thuyết, chuyên môn cho sinh viên chứ chưa tăng cường các kỹ năng, tình huống sư phạm; sinh viên chưa được rèn luyện kỹ về đạo đức và những điều không bao giờ được vi phạm. Vì vậy, nhiều người khi được tuyển dụng vào giảng dạy ở các trường học chưa biết giới hạn trong cư xử giữa thầy cô giáo với học trò, chưa biết xử lý các tình huống trong môi trường sư phạm.
Có thể khởi tố hình sự?
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Môi trường giáo dục là đào tạo ra con người, sản phẩm của nó là con người, thế hệ tương lai của đất nước, nó không phải là nhà máy sản xuất ra xi măng, gạch, đá... Giáo viên phải toàn diện cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.
Nếu giáo viên không có phẩm chất đạo đức thì những bậc phụ huynh làm sao có thể tin tưởng giao con của mình cho họ được?. Vì thế, phải xử lý thật nghiêm những vụ việc xảy ra vừa qua, thậm chí xem xét cho những giáo viên vi phạm ra khỏi ngành giáo dục. Lâu nay, chúng ta chỉ tập trung đào tạo chứ không kiểm soát kỹ chất lượng đầu ra của ngành sư phạm. Đây là nhược điểm rất lớn của ngành giáo dục Việt Nam.
Ở góc độ luật pháp, theo các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, trong trường hợp này là hành vi dâm ô, có thể khởi tố hình sự, không phân biệt chủ thể là nam hay nữ. Một người quan hệ với trẻ em dưới 13 tuổi dù với bất kỳ lý do gì đều phạm tội hiếp hâm, dù đồng ý hay không đồng ý.
Trường hợp thứ 2, nếu giao cấu với vị thành niên từ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu bị hại không đồng ý thì phạm tội hiếp dâm, còn nếu đồng ý vẫn phạm tội giao cấu với vị thành niên. Tội giao cấu với trẻ thành niên nhẹ hơn nhưng vẫn là tội hình sự.
Trước đó, cô giáo H. giáo viên một trường THPT tại thị xã La Gi bị chồng làm đơn tố cáo vì ở chung phòng với nam sinh dưới 16 tuổi (đang học lớp 10) trong khách sạn, tuy nhiên lúc đó cả hai vẫn mặc quần áo bình thường. Trao đổi với báo chí liên quan đến sự việc, ông Hoàng Đức Minh, cho biết ngay sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Cục đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Bình Thuận có công văn báo cáo cụ thể về vấn đề này.
Ông Minh cũng lưu ý việc quan hệ bất chính và việc 2 người đều mặc quần áo ngồi trong khách sạn là hai việc khác nhau. Cần phải xác minh rõ ràng, nếu không cẩn thận mình lại quy chụp giáo viên và tạo ra oan sai. Và quan điểm của Bộ GD-ĐT là trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra, sai đến đâu phải xử lý đến đó.
Có thể nói, hơn bao giờ hết, trong ngành giáo dục, những thiết chế về đạo đức phải được đặt lên hàng đầu! Phải chăng đây là hệ quả sau những năm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”? Nhiều người theo nghề nhà giáo không phải bởi yêu mà bởi không có sự lựa chọn nào khác.
Đồng thời, phía các cơ sở đào tạo phải chăng đã để cho ra lò những thế hệ thầy cô “lỗi” bởi điểm đầu vào thấp. Và rồi, sau 4 năm họ ra trường, nghiễm nhiên trở thành các thầy cô, thậm chí là các lãnh đạo. Điều đáng buồn, những sự việc tương tự như thế này luôn được “đánh tráo khái niệm”, bởi căn bệnh thành tích tích tụ đã quá lâu! Thực hư ra sao chỉ có trò biết, thầy cô biết.
Thế nhưng, với những thầy cô như thế, mãi mãi là một vết sẹo dài trong kí ức học trò! Họ đã lớn lên, mang theo những câu chuyện buồn về những người thầy không xứng đáng với hai chữ làm thầy…
Theo Phapluatplus.vn