Đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế thị trường Tết Trung thu
Kinhte&Xahoi
Trước đây, cứ dịp cận Rằm tháng Tám, đèn lồng và đồ chơi nhựa công nghiệp Trung Quốc xuất hiện tràn lan ở các phố đồ chơi trẻ em ở Hà Nội. Nhưng nay các mặt hàng ngoại nhập có phần lép vế vì sự xuất hiện trở lại của những món đồ chơi truyền thống trong nước, có mẫu mã đa dạng, vật liệu thân thiện với môi trường.
Ảnh minh họa
Tại các tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Hà Nội), mặt hàng đồ chơi phục vụ Tết Trung thu đã được bày bán từ cách đây khá nhiều tuần. Những mặt hàng đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng chủng loại, rực rỡ sắc màu nên tại những tuyến phố nói trên luôn tấp nập người bán, người mua. Các em nhỏ háo hức với những món đồ chơi truyền thống trên phố Hàng Mã.
Chị Hiền Mai - chủ một cửa hàng đồ chơi ở phố Hàng Mã cho biết, vài năm gần đây, phụ huynh có xu hướng lựa chọn đồ chơi truyền thống cho con em mình vì tính nhân văn và gần gũi với văn hóa, lịch sử của người Việt Nam. Không chỉ các bậc phụ huynh, các bạn trẻ thế hệ 8x, 9x cũng xuống phố và lựa chọn những món đồ truyền thống như: đèn cù, mặt nạ giấy, đầu sư tử… gắn với ký ức tuổi thơ.
“Những món đồ chơi đơn giản, giá rẻ như chong chóng tre, đèn ông sao… là những mặt hàng tiêu thụ ổn định nhất, sức mua thậm chí còn mạnh hơn cả những đồ chơi gắn đèn, lắp nhạc… Đồ chơi là mặt hàng có thể bán quanh năm nhưng trong dịp Trung thu, nhiều cơ quan, đơn vị mua với số lượng lớn để làm quà từ thiện hoặc tổ chức Trung thu cho con em mình”, chị Mai nói.
Theo một số chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Lược (Hà Nội) chia sẻ, tuy đồ chơi truyền thống được làm thủ công nhưng giá bán không đắt. Đèn ông sao có giá từ 15.000 - 100.000 đồng/chiếc tùy vào kích cỡ, đèn cù giá từ 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, đầu sư tử trung bình khoảng 150.000 - 200.000 đồng/chiếc, mặt nạ giấy từ 15.000 - 40.000 đồng/chiếc, trống các loại có giá từ 15.000 - 100.000 đồng/chiếc, đèn kéo quân từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc…
Đắt nhất là các loại đầu lân được làm cầu kì, tỉ mỉ thì có giá trên 100.000 đồng đến cả triệu đồng/chiếc. Chất liệu làm đồ chơi thủ công của Việt Nam chủ yếu từ gỗ, tre, nứa, giấy… nên có độ an toàn đối với trẻ em và được người tiêu dùng lựa chọn.
Nhìn chung, mặt bằng chung về giá giữa các đồ chơi truyền thống và hàng hiện đại là như nhau, không có sự chênh lệch quá lớn khiến người tiêu dùng phải cân nhắc.
Đồ chơi là món đồ không thể thiếu dịp Trung thu.Với sự gia tăng, cải thiện cả về số lượng và chất lượng của sản phẩm nội địa, người Việt đã có thể yên tâm mua và sử dụng. Những món đồ đơn giản, đầy màu sắc sẽ góp phần làm nên những câu chuyện cổ tích đẹp đêm trăng rằm.