Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

04/11/2022 10:48

Kinhte&Xahoi Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chủ trì buổi thảo luận có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Phát biểu góp ý tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi, thực tế trong thời gian có 90% giải quyết khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai, 50% tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, một phần nguyên nhân là do Luật không còn phù hợp từ cơ chế về giá và cơ chế quản lý.
 
Về cơ chế giá, quy định hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo như: Quy định bồi thường quá thấp không phù hợp với thực tiễn, chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù quá thấp, chênh lệch giá giữa khu vực thành trị và nông thôn cũng khoảng cách xa,… từ đó, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện của người dân kéo dài.
 
Về cơ chế quản lý, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính việc cấp và thu hồi sổ đỏ còn bất cập. Chẳng hạn có trường hợp đất cạnh nhau nhưng một nhà được cấp sổ đỏ, một nhà không được cấp, hoặc nơi không có đất ở, canh tác nhưng có nơi lại bỏ hoang,… điều này dẫn tới những bức xúc trong người dân. 
 
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguyên tắc về bồi thường đất đai khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo có điều kiện sống bằng hoặc hơn chỗ ở cũ. Tương tự, về lập và thực hiện dự án tái định cư, phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (y tế, trường học). Tuy nhiên, những điều này nếu được quy định trong luật sẽ rất khó thực thi vì quỹ đất có hạn. 
 
Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây, khung giá đất được áp đặt hành chính nhưng theo dự thảo Luật mới thì cơ chế giá sẽ phù hợp với giá trị thị trường. Đó là tiến bộ và nếu thực hiện được như trong dự thảo Luật sẽ xóa bỏ được bất cập về giá đất hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Băn khoăn về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện có 2 phương thức thu hồi gồm Nhà nước đứng ra quyết định thu hồi và doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ về phương thức doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận bởi sẽ phát sinh các tình huống ngoài sự quản lý của nhà nước. 
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng Luật cần có thêm một điều về thuế, gồm: thuế điều tiết giá trị gia tăng, thuế điều tiết đầu cơ, ôm đất và thuế trong điều tiết hành vi như để đất mà không sử dụng,…
 
Cho rằng đây là Dự án Luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đại biểu Lê Nhật Thành thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai. Đại biểu đề bổ sung quy hoạch, kế hoạch đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề cập đến đất không gian ngầm và khoảng không, đại biểu cho rằng cần thiết phải lập quy hoạch về đất không gian ngầm để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, đồng thời, phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị hiện nay. 
 
Tổng hợp thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá 12 ý kiến thảo luận của đại biểu thể hiện sự trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trong góp ý kiến vào dự thảo Luật. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị đại biểu tiếp tục rà soát, nghiên cứu Dự thảo luật, tiếp tục đóng góp ý kiến để bảo đảm cụ thể hoá tối đa các yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo đồng bộ, thống nhất Luật này trong hệ thống pháp luật nói chung.

 Lê Hải -HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/chidaodieuhanh/-/hn/t0gZB5w6V7Wh/3502/2854117/oan-bqh-thanh-pho-ha-noi-thao-luan-to-ve-du-an-luat-at-ai-sua-oi.html