Đoàn giám sát Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao báo cáo công tác quy hoạch của Hà Nội

09/03/2022 17:05

Kinhte&Xahoi Ngày 9/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" với thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: VGP)

Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Các thành viên Đoàn giám sát. Về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Đại diện các cơ quan hữu quan…

Lập quy hoạch Thủ đô cần sự bài bản, khoa học, đảm bảo thống nhất, đồng bộ

 Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô được xác lập từ năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song đồng thời tổ chức lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và triển khai xây dựng chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quá trình triển khai các nhiệm vụ trên song song đồng thời và là nền tảng để xác lập, xác định các nội dung định hướng, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Hiện nay, thành phố nghiên cứu đề xuất Quy hoạch Thủ đô có khoảng 17 nội dung chủ yếu đề xuất nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch 39 nội dung ngành và khoảng 30 nội dung cấp huyện.

Thành phố Hà Nội lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2017, là quy hoạch lớn, mới, mang tính tích hợp, bao trùm. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước. Do vậy, mang tính chất đặc thù, đặc biệt mà các tỉnh, thành phố khác không có.

Đồng thời, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp, nhiều nội dung còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng, làm khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô; Việc nghiên cứu rà soát, lập Quy hoạch Thủ đô và lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cần sự bài bản, khoa học, đảm bảo chất lượng, sự đồng bộ thống nhất của 2 quy hoạch nêu trên và các quy hoạch cấp quốc gia đồng thời được lồng ghép, tích hợp đảm bảo thống nhất cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng chậm tiến độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì nội dung làm việc

Phải đặt chất lượng lên hàng đầu

 Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao thành phố Hà Nội với 2 lần gửi báo cáo đúng hạn, nội dung tương đối đầy đủ và bám sát kế hoạch, đề cương theo yêu cầu. Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.

Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; Thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; Lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trả lời các vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu ra; Đồng thời nêu lên nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, về nguyên nhân, trách nhiệm và nêu kiến nghị về nhiều vấn đề cụ thể.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự, với việc nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân từ những vấn đề liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện mà thành phố nêu ra sẽ là cơ sở thực tiễn để xác định các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung cụ thể.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.

Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của Hà Nội với nội dung chi tiết, là một trong những báo cáo tốt mà Đoàn giám sát nhận được. Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc ghi nhận, tiếp thu tất cả khó khăn, vướng mắc, kiến nghị mà Hà Nội nêu; Đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo và kiến nghị cụ thể hơn, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tế của Thủ đô trong công tác chuẩn bị quy hoạch và triển khai đồng bộ.

Về việc thúc đẩy theo các mốc thời gian, do thời gian còn rất ít nên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan hữu quan phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định… Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ tập hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần đánh giá khách quan, đúng tình hình thực tế.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doan-giam-sat-quoc-hoi-ghi-nhan-danh-gia-cao-bao-cao-cong-tac-quy-hoach-cua-ha-noi-191474.html