Những ngày này, tại các huyện Lục Nam và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), vải thiều đã bắt đầu vào thời điểm chín rộ. Hàng ngày người dân ùn ùn chở vải đi bán, nhưng để đến được nơi tập kết của các thương lái, trong nhiều năm qua, các xe vải nặng trĩu phải đi qua cây cầu phao "tử thần".
Đoàn người chở hàng tấn vải nối đuôi nhau đi trên chiếc cầu chòng chành tắc cứng.
Ghi nhận của PV tại cây cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam (đoạn qua địa bàn thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), hằng ngày có rất đông người chở xe chất đầy vải từ các nơi đổ về đây tiêu thụ.
Thời điểm xe cộ lưu thông qua cầu phao đông nhất vào sáng sớm, là khoảng thời gian hầu hết người dân các xã ở phía huyện Lục Nam chở vải đi qua cây cầu này để sang huyện Lục Ngạn. Có những lúc trên cầu phao xảy ra tình trạng ùn tắc do lượng người dân đi bán vải quá lớn, trong khi chiếc cầu quá nhỏ.
Gia đình ông Giáp Văn Đồng – Bí thư Đảng ủy xã Trường Giang (huyện Lục Nam, Bắc Giang) có truyền thống trồng vải lâu đời, thu nhập chính nhờ vào các vườn vải, mỗi năm khoảng vài trăm triệu đồng.
Mặc dù đang làm Bí thư Đảng ủy xã, nhưng những ngày mùa thu hoạch vải, ông Đồng vẫn phụ gia đình việc thu hoạch, vận chuyển vải đưa đến cho các thương lái ở huyện Lục Ngạn. Những lần chở vải qua cầu phao Tòng Lệnh luôn là điều ông nhớ đến đầu tiên khi nói về mùa vải. Mỗi sáng sớm, ông chở 120kg-150kg vải trên xe máy đi qua chiếc cầu phao “tử thần”.
"Vải vào mùa chín rộ, sáng sớm 6h tôi đã phải đưa vải đi bán tranh thủ để 7h về cho kịp giờ làm. Cầu phao Tòng Lệnh chông chênh lắm, chính tôi cũng đã ngã ở đó vài lần rồi. Cả đoạn đường khó khăn nhất là phải đi qua chiếc cầu phao Tòng Lệnh này, nhưng mọi người vẫn phải đi qua bởi đây là tuyến đường ngắn nhất để đến được huyện Lục Ngạn. Nếu đi đường vòng thì phải mất hơn 40km, trong khi qua cầu này chỉ mất 3km là tới nơi”, ông Đồng nói.
Hai đầu cầu phao có độ dốc lớn, nhiều xe chở hàng nặng phải nhờ người đẩy giúp khi lên dốc.
Toàn bộ chiều dài của cây cầu phao Tòng Lệnh khoảng hơn 100m, chiều rộng hơn 2m. Cấu tạo cầu bằng sắt được giữ nổi bằng những chiếc phao cỡ lớn phía dưới. 2 đầu cầu phao đều có độ dốc lớn, trong khi mỗi chuyến vải nặng đến cả tạ khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Do chở vải nặng nên việc lật xe, đổ xe thường xuyên xảy ra tại đây.
Một người dân chở vải đi qua cây cầu cho biết: “Để đi sang chợ Kim (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) bán vải thì đi qua chiếc cầu phao này là đường nhanh nhất. Đi trên cầu phao chòng chành với con dốc ở 2 đầu khá nguy hiểm. Nhiều chuyến vải nặng quá mà lên dốc thì cao nên xe bị bốc đầu, việc bị ngã lộn xuống sông là chuyện ...bình thường”.
Chuyện ngã xe trên cầu phao thường xuyên xảy ra.
Mỗi khi có người ngã ở dốc là trên cầu phao lại tắc cứng.
Những chuyến xe chở vải nối đuôi nhau, hầu hết các xã phía bên huyện Lục Nam đều đi qua chiếc cầu này.
Chiếc cầu là tuyến đường ngắn nhất cho người dân Lục Nam đến được chợ đầu mối bán vải ở huyện Lục Ngạn. Rất nhiều xe chở vải cồng kềnh nối đuôi nhau khiến cho việc di chuyển trên cầu khá khó khăn vào lúc sáng sớm.
Được biết, những năm trước đó, vào mùa mưa lũ, nước lên cao, người dân sẽ phải cắt cầu, các phương tiện không thể đi qua được; 2 xã của huyện Lục Nam và Lục Ngạn ở 2 bên đầu cầu bị chia cắt; các em học sinh nhà ở các xã giáp ranh nằm ở phía huyện Lục Nam mà đang học tại trường THPT Lục Ngạn sẽ phải nghỉ học.
Theo ông Giáp Văn Đồng, cầu phao này được làm từ năm 2016. "Năm nào chính quyền địa phương cũng tu sửa cầu nhưng việc đi qua cầu phao này vẫn rất vất vả. Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện và các cấp có thẩm quyền để mong có cây cầu mới cho bà con đi lại ổn định hơn. Cứ lần nào tiếp xúc cử tri là chúng tôi lại đề cập đến việc này nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi”, ông Đồng thông tin.
*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.
Quang Hùng