Doanh nghiệp than thiếu vốn nhưng khó vay ngân hàng
Kinhte&Xahoi
Các hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp phản ánh khó vay vốn cho sản xuất, kinh doanh vì ngân hàng cạn “room” tín dụng, không cấp khoản vay mới.
Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nhưng không thể vay ngân hàng
Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp ngày 11/8, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp ngành thuỷ sản là nhiều ngân hàng thông báo không cho vay khoản vay mới, khiến họ không có thêm tài chính cho kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất.
Đây là tình trạng chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khi nhiều ngân hàng đang cạn “room” tín dụng còn chi phí sản xuất của doanh nghiệp đã tăng nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế ở mức khoảng 400 triệu đồng với mỗi container từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ.
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp dệt may cũng đứng trước nhiều khó khăn, nhất là thiếu tiềm lực về vốn, tài chính, đặc biệt trong thời gian chống dịch vừa qua.
Nặng nề hơn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, do quy mô doanh nghiệp trong ngành đa số là vừa và nhỏ với vốn hạn hẹp, chỉ tạm ứng được 10 - 15% giá trị hợp đồng, nên khi triển khai thực hiện vẫn phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Hiệp, thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng gặp tình trạng phát triển chậm lại, giảm thanh khoản và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.
Trong bối cảnh trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, giúp doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thuận lợi hơn.
Trước các ý kiến trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tái khẳng định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại cho những nhà băng được xếp hạng cao. Trong đó, riêng cấp tín dụng vay giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, bà Hồng cho rằng, đây là thoả thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng song vẫn phải đảm bảo quy định pháp luật.
Hậu Lộc - TTTĐ