Hạt dổi rừng là loại gia vị hiếm của vùng núi Tây Bắc. Theo người dân địa phương, hạt dổi rừng bắt đầu chín và thu hoạch được trong khoảng 2 tháng, từ tháng 10 đến hết tháng 11, đa phần được khai thác từ những cây dổi có tuổi đời trên 20 năm.
Khi ấy, người dân địa phương và bà con đồng bào dân tộc vùng núi Tây Bắc lại tranh thủ vào rừng nhặt hạt dổi về ăn hoặc bán.
Chị Trần Thị Luyện (Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, hạt dổi có thể thu hoạch từ tháng 8 đến hết tháng 11. Hạt nhặt từ những cây dổi có tuổi đời già sẽ có vị thơm đặc trưng. Hạt dổi có hai loại là dổi tẻ và dổi nếp. Dổi nếp hạt nhỏ, màu vàng và đen, ăn rất thơm nên được giá hơn dổi tẻ hạt to, màu đen và không thơm bằng.
“Mình bán hạt dổi được vài năm nay. Vì lượng hạt dổi không nhiều, người dân đi hái cũng vất vả nên mình phải thu gom nguồn từ nhiều hộ gia đình. Cả xóm gom lại may ra được 1 tạ. Có nhiều vị khách ở các nơi hỏi mua nhưng cũng không đủ để bán”, chị Luyện nói.
Hạt dổi tươi được chị Luyện bán với giá 800.000 đồng/kg.
Có kinh nghiệm gần 6 năm buôn bán hạt dổi nếp khai thác từ những cây dổi rừng trên 30 năm tuổi, anh Long (30 tuổi, ở Lạng Sơn) chia sẻ, hạt dổi thơm, có thể là gia vị chế biến được nhiều món ăn nên được thực khách khắp nơi ưa chuộng. Anh Long từng bán được cả trăm kg/tháng khi vào mùa.
Nhiều năm dổi rừng không nhiều, chỉ nhặt được vài kg, anh phải thu gom thêm tận nhà từ các hộ người đồng bào dân tộc để có đủ lượng bán ra thị trường.
“Trước đây, hạt dổi chưa được biết đến nhiều nên đa phần người dân chỉ đi nhặt về ăn. Sau này hạt dổi được nhiều người thích, tìm mua về ăn và đi biếu nên người dân mới vào rừng nhặt nhiều để bán. Vài năm gần đây, hạt dổi rừng hiếm hơn mà nhu cầu mua lại càng nhiều nên có lúc còn chẳng đủ mà bán”.
Do đang vào mùa nên những hạt dổi nếp được anh Long bán với giá 250.000 đồng/lạng. Sau tháng 11, hết vụ thu hoạch thì giá hạt dổi sẽ bị đẩy lên khoảng hơn 300.000 đồng, có khi là cả 400.000 - 500.000 đồng/lạng. Còn dổi tẻ giá rẻ hơn, chỉ từ 150.000 - 180.000 đồng/lạng.
Nhờ hương vị thơm ngon đặc biệt mà hạt dổi đã trở thành loại gia vị “vàng” được giới sành ăn ưa chuộng.
Trước đây đa phần chỉ có hạt dổi rừng nhưng sau này, khi thấy giống cây được ưa chuộng, nhiều hộ dân ở Lạng Sơn, Lai Châu đã nhân giống để trồng. Tuy nhiên, chất lượng của hạt dổi trồng không bằng hạt dổi rừng nên giá thành cũng rẻ hơn.
Chị Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) “nghiện” hạt dổi nên cứ đến mùa là lại tìm mua. Tuần vừa rồi, chị cũng mua nửa kg hạt dổi với giá 1,3 triệu đồng.
“Mình chọn mua hạt dổi nếp được người ta nhặt từ những cây cổ thụ lâu năm nên rất thơm. Mình phơi khô rồi bảo quản hạt dổi trong trong ngăn mát tủ lạnh quanh năm. Lúc nào ăn chỉ cần lấy vài hạt ra nướng rồi giã nhỏ để làm gia vị chấm thịt gà hay ướp các món nướng. Hạt dổi nếp khá nhỏ nên 1 lạng cũng được tầm 300 hạt, ăn thoải mái cả năm mới hết”, chị Vân bày tỏ.
Dù giá thành đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn tìm mua bằng được hạt dổi để thưởng thức hương vị đặc sản núi rừng này. Với những ai từng được nếm vị hạt dổi đều cảm nhận rằng, nó có mùi thơm đặc biệt, rất thích hợp để ướp thực phẩm, nhất là các món nướng. Ngoài dùng ướp món ăn, người dùng có thể rang (hoặc nướng) hạt dổi rồi giã nhỏ với muối ớt để làm gia vị chấm. Chỉ cần vài hạt là đã đủ khiến món ăn thơm “nức mũi”.
Nếu ai đã một lần đi du lịch các vùng Tây Bắc, hẳn không thể quên món thịt nướng ướp với thứ gia vị đặc biệt này. Thịt ba chỉ thái vừa miếng, thêm chút hạt dổi giã nhỏ rồi đem nướng trên than hồng rực lửa. Vị ngọt của thịt lợn hòa quyện với hương thơm của gia vị, ăn kèm với chút rau thơm tạo nên một món ăn đặc biệt mà bất cứ ai cũng không thể từ chối.
Thảo Trinh - Theo Dân Trí