Độc đáo mô hình đổi rác lấy sách ở Indonesia

18/11/2021 10:24

Kinhte&Xahoi Mỗi ngày trong tuần, Raden Roro Hendarti lại chở những cuốn sách cho trẻ em ở làng Muntang, ở Java, Indonesia để đổi lấy cốc nhựa, túi và các loại rác thải khác để mang về.

Cư dân làng Muntang mang rác thải để đổi lấy sách tại thư viện di động của Raden (Ảnh: Reuters)

Raden cho biết cô muốn thông qua hành động này sẽ khắc sâu việc đọc sách ở trẻ em cũng như giúp chúng có ý thức về môi trường. Ngay khi cô xuất hiện, các em nhỏ, nhiều em trong số đó đi cùng với bố mẹ, vây quanh “thư viện đổi rác” của cô và háo hức tìm mượn sách.

Chỉ trong ít phút, chiếc xe chở sách của Raden đã sạch trơn, thay vào đó là những túi rác của bọn trẻ. Cô cho biết cô cảm thấy rất vui khi chúng dành thời gian cho sách, thay vì dán mắt vào các trò chơi trực tuyến.

“Chúng ta hãy xây dựng văn hóa đọc từ tuổi nhỏ để giảm thiểu tác hại của thế giới trực tuyến. Chúng ta cũng nên quan tâm đến vấn đề rác thải để chống lại biến đổi khí hậu và cứu Trái đất”, Raden nói.

Mỗi tuần, Raden thu thập được khoảng 100kg rác thải. Sau đó cô cùng các đồng nghiệp phân loại, gửi đi tái chế hoặc bán. Cô có kho sách cho mượn gồm 6.000 cuốn và muốn đưa dịch vụ di động này ra các khu vực lân cận.

Các em nhỏ tại làng Muntang chăm chú đọc những cuốn sách được đổi từ rác thải (Ảnh: Reuters)

Kevin Alamsyah là một cậu bé 11 tuổi ham đọc sách. Cậu tìm kiếm rác thải khắp trong làng của mình để đổi lấy sách.

“Khi có quá nhiều rác, môi trường của chúng ta sẽ trở nên bẩn hơn và không lành mạnh. Đó là lý do tại sao em đi thu gom rác và dùng chúng để mượn sách”, cậu bé nói.

Jiah Palupi, người quản lý thư viện côn trong khu vực, cho biết công việc của Raden đã đóng góp vào nỗ lực của họ trong việc chống lại chứng nghiện chơi game trực tuyến trong giới trẻ và thúc đẩy việc đọc sách.

Tỷ lệ biết chữ của thanh niên trên 15 tuổi ở Indonesia là khoảng 96%. Tuy nhiên, một báo cáo vào tháng 9 của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng đại dịch sẽ khiến hơn 80% thanh thiếu niên 15 tuổi không thể đảm bảo khả năng đọc viết thông thạo tối thiểu theo quy chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Trước đó, chính quyền thành phố Surabaya, phía đông Đảo Java, miền Bắc Indonesia cũng đã triển khai chương trình đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt. Đây là một giải pháp thông minh vừa giảm lượng rác thải vừa giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại đây.

Theo chương trình này, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung bình hoặc 10 chiếc cốc nhựa sẽ đổi được một vé xe buýt với hành trình kéo dài 1 giờ và không hạn chế điểm dừng. Kể từ khi triển khai, đã có tới gần 16.000 người tới đổi rác nhựa lấy vé xe buýt mỗi tuần.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doc-dao-mo-hinh-doi-rac-lay-sach-o-indonesia-183275.html