Đổi thay tại các xã nông thôn mới nâng cao ở Hà Nội

03/01/2022 18:50

Kinhte&Xahoi Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã tạo nên diện mạo mới cho các làng quê Hà Nội. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Giai đoạn 2020 - 2025, TP Hà Nội tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Kiến tạo nên những làng quê đáng sống
 
Khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, sau 4 năm, xã Phù Đổng, huyện đã về đích nông thôn mới. Năm 2020, địa phương trở thành một trong số ít xã ở Hà Nội cán đích nông thôn mới nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm. Đến nay, dựa trên nguồn lực và sự quan tâm của huyện Gia Lâm và TP Hà Nội cùng với nguồn lực của địa phương, diện mạo xã ngày càng “thay da đổi thịt”. Hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư xây mới và nâng cấp. 100% trục đường chính, đường liên thôn được trải nhựa và bê tông hóa, có đèn chiếu sáng. Từ đó, tạo đà cho địa phương phát triển về mọi mặt, từ đời sống tinh thần, công trình phúc lợi, giáo dục đào tạo, đầu tư cho thế hệ tương lai càng được quan tâm. 

Diện mạo nông thôn mới nâng cao ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm

Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết: Trong thời gian tới, xã tập trung duy trì giữ vững và củng cố thành quả đạt được của các nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có thực hiện có hiệu quả các mô hình dự án kinh tế của địa phương. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, tin tưởng rằng năm 2022, Phù Đổng sẽ sớm trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Mới đây, xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới của TP Hà Nội đánh giá đạt đủ các tiêu chí để Hội đồng thẩm định của Thành phố xét, đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. 
 
Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Nguyễn Duy Phố cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã đã phát động phong trào "Thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" tới các thôn, khu dân cư... Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã đã huy động được hơn 10 tỷ đồng từ xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa, đường làng, ngõ xóm… Đặc biệt, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, làng quê xã Hợp Đồng đã khang trang, giàu đẹp hơn.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ

Tương tự, xã nông thôn mới nâng cao Liên Ninh (huyện Thanh Trì) cũng có diện mạo khác xa so với trước đây. Tất cả các tuyến đường từ trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ xóm trên địa bàn đều được trải nhựa hoặc đổ bê tông sạch sẽ, ô tô đi lại dễ dàng. Không những vậy, với những nút giao thông trên trục đường xã, liên xã còn được bố trí hệ thống biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc, bảo đảm an toàn giao thông. Xã Liên Ninh cũng có 8/8 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao và khuôn viên nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cộng đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt gần 65 triệu đồng/người/năm; dự kiến đến hết năm 2021, xã không còn hộ nghèo...

Xã nông thôn mới nâng cao Liên Ninh, huyện Thanh Trì ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Trong câu chuyện về nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn có 19 tiêu chí như Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, song các tiêu chí đều yêu cầu cao hơn. Ví dụ, với tiêu chí trường học, quy định cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Còn về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; các thôn có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho người già, trẻ em; có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng...
 
Ghi nhận ở các địa phương, cho thấy việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã tạo nên bước chuyển về “chất”, kiến tạo nên các làng quê nông thôn mới nâng cao “đáng sống” so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cách đây ít năm.
 
Tiền đề cho chặng đường mới
 
Công cuộc xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm cuối. Hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới là tiền đề để tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Diện mạo làng quê đổi mới ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ba Vì phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023 và đến năm 2025, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Cổ Đô, Sơn Đà, Phú Phương, Tản Hồng, Thuần Mỹ, Ba Trại; phấn đấu có 4 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn La Thiện thuộc xã Tản Hồng, thôn Tân Phong thuộc xã Phong Vân, thôn 4 thuộc xã Ba Trại và thôn Cổ Đô thuộc xã Cổ Đô.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyến đường liên xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức được mở rộng khang trang

Còn theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; phấn đấu "về đích" huyện nông thôn mới trong năm 2022. Cùng với xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, để nâng cao đời sống người dân, huyện sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vừa tạo việc làm, vừa giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, qua đó, tăng thu nhập cho nhân dân...
 
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài kinh phí trên, thành phố tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương. Mặt khác, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

* Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nông dân. Nội dung này cũng thể hiện rất rõ trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Với tinh thần đó, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đều quyết tâm xây dựng NTM nâng cao.

 Phạm Linh - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://m.hanoi.gov.vn/web/guest/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2850406/oi-thay-tai-cac-xa-nong-thon-moi-nang-cao-o-ha-noi.html