Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam: Ổn định ở đẳng cấp hàng đầu
Kinhte&Xahoi
Đầu tuần này, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu những trận cuối cùng trong khuôn khổ Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á năm 2023, một giải đấu mà ở đó các cô gái bóng chuyền Việt Nam đã cho thấy mình đủ tự tin trong nhóm đội hàng đầu châu lục.
Tối ngày 3-9, sau trận thắng thuyết phục trước đội tuyển nữ Australia với tỷ số 3-0 (25-15, 25-15, 25-21), đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có vé dự vòng bán kết của giải, lọt vào top 4 cùng với 3 đội tuyển đẳng cấp thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Ngoài ra, cũng sau trận đấu này, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lọt vào top 40 thế giới (xếp hạng 39 thế giới, thứ 5 châu Á - sau Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc).
Theo dõi hành trình thi đấu ít nhiều mang vẻ “hành xác” của tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam trong hơn 1 năm qua, có thể tự tin nói rằng họ đã tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục. Trong khoảng thời gian đó, khi tham dự SEA Games 31 và 32, AVC Chalenge Cup 2023, FIVB Chalenger Cup 2023, SEA V.League 2023, giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2023…, dù có lúc phong độ suy giảm do phải cày ải liên tục nhưng các tuyển thủ nữ Việt Nam vẫn thể hiện sự tự tin, thi đấu sòng phẳng ngay cả khi phải đối mặt với những đối thủ mạnh hơn, như Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc…
Sự trưởng thành của bóng chuyền nữ Việt Nam, vị thế ở khu vực và châu lục có được là nhờ sự xuất hiện của nhiều VĐV tài năng - cả những ngôi sao của đội một hiện tại như chủ công Trần Thị Thanh Thúy, chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền, đối chuyền Hoàng Thị Kiều Trinh, libero Nguyễn Khánh Đang… đến lứa VĐV mới được bổ sung vào đội tuyển (đội một và đội hai) như Nguyễn Huỳnh Phương Thùy, Vi Thị Như Quỳnh (chủ công), Vi Thị Yến Nhi (chuyền hai)…
Việc liên tục được tạo điều kiện để thi đấu tại các giải đấu quốc tế quan trọng và tạo “đất diễn” từng bước phù hợp cho các VĐV trẻ đã giúp bóng chuyền Việt Nam nâng cao trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, như có thể thấy qua sự tiến bộ ở nhiều mức độ khác nhau của Hoàng Thị Kiều Trinh, phụ công Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Khánh Đang, chủ công Phạm Thị Nguyệt Anh, Trần Tú Linh, Vi Thị Như Quỳnh…
Đội tuyển Việt Nam có thể kiên trì với hướng đi hiện nay, kèm theo đó là dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nhân tố mới trong vị trí chuyền hai cũng như cải thiện dứt điểm khả năng bắt bước một - hai điểm yếu chí mạng của bóng chuyền nữ Việt Nam từ trước tới nay. Nếu làm tốt hơn nữa ở khâu tuyển chọn và đào tạo trẻ, bóng chuyền nữ Việt Nam có cơ hội duy trì sự ổn định ở tốp đầu châu lục.
Hoàng Vũ - Hà Nội mới