Hàng loạt địa phương xin bổ sung các dự án điện
Với lợi thế phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, một số tỉnh đã đề nghị bổ sung các dự án điện gió, khí để Bộ Công thương tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung gần 30.000MW nguồn điện mới. Trong số này, có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương với quy mô 17.600MW. Ở lĩnh vực điện khí LNG, tỉnh này đề nghị đưa vào quy hoạch dự án Điện khí LNG mũi Kê Gà (3.200MW).
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận đề nghị bổ sung vào dự thảo Quy hoạch điện VIII tổng công suất 42.595MW nguồn điện mới. Các nguồn điện được địa phương này đề xuất gồm điện gió trên đất liền (1.887,85MW), điện gió ven biển (4.380MW), điện gió ngoài khơi (21.000MW), chuyển nguồn quy hoạch điện hạt nhân 4.600MW sang điện khí LNG, điện khí LNG (1.500MW)...
Tại Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng đề xuất tiếp tục bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió. Trong khi đó, Đắk Lắk cũng đã đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII với số lượng 30 dự án điện mặt trời công suất khoảng 12.000MW và 60 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 11.000MW.
Các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa… cũng đề xuất bổ sung hàng loạt dự án điện. Trong đó, Quảng Ninh muốn đưa vào quy hoạch khoảng 5.000MW điện gió với 3.000MW điện gió ngoài khơi. Tỉnh Thái Bình đề xuất bổ sung 8.700MW điện gió từ đề xuất của các doanh nghiệp, trong đó có dự án điện gió lên đến 3.000-5.000MW.
Còn Thanh Hóa cũng đề xuất bổ sung Trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn công suất 9.600MW, Trung tâm điện khí LNG Thanh Hóa công suất 9.600MW vào Quy hoạch điện VIII. Đáng chú ý là, tỉnh này cũng đã liệt kê tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới 50.000MW, nhưng dường như chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, nên địa phương này đã không đề xuất bổ sung.
Hàng loạt địa phương xin bổ sung quy hoạch điện gió
Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại theo yêu cầu của Chính phủ theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam); kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.
Với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26), Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, cập nhật tại bản quy hoạch này. Ngoài ra, các tiêu chí xác định dự án trọng điểm, dự án ưu tiên trong quy hoạch điện VIII cũng cần được làm rõ.
Trong văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp đến năm 2045 trên cơ sở cập nhật giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26.
Đối với các dự án điện than, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc tăng thêm quy mô điện gió ngoài khơi và nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn điện này.
Giải bài toán dự án truyền tải điện
Việc nhìn nhận tiềm năng phát triển các dự án điện để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hợp lý, song vấn đề đặt ra là làm sao để giải quyết được bài toán truyền tải điện tránh hệ lụy cho cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Thực tế, thời gian qua, nhiều dự án truyền tải điện chậm tiến độ, không đáp ứng được nhu cầu khiến các dự án điện không thể đấu nối, hoặc quá tải nên phải cắt giảm công suất gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, thậm chí xảy ra tình trạng nơi thừa điện nơi lại thiếu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện vẫn đang độc quyền truyền tải điện về đầu tư xây dựng và vận hành. Thực tế, EVN có mạng lưới truyền tải rất mạnh, song để tạo ra sự cân đối cho nguồn và truyền tải trong thời gian dài là câu chuyện của quốc gia.
Trạm biến áp 500KV Thuận Nam và lưới điện truyền tải 500KV, 220KV tại Ninh Thuận
Hiện nay, khi nhu cầu phụ tải tăng, nhu cầu phát triển nguồn điện tăng (nhất là sự phát triển năng lượng tái tạo gần đây), hệ thống lưới điện truyền tải không xây dựng kịp thời để giải tỏa hết nguồn điện lên hệ thống điện, dẫn tới một số khu vực bị quá tải cục bộ.
Trước đó, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp tư nhân được đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện gió, điện mặt trời và bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành.
Đơn cử như Trạm biến áp 500KV Thuận Nam và lưới điện truyền tải 500KV, 220KV tại Ninh Thuận đấu nối vào hệ thống điện quốc gia do Tập đoàn đoàn Trung Nam đầu tư. Cuối năm 2020, các công trình được đưa vào hoạt động, trở thành thí điểm đầu tiên cơ chế cho phép doanh nghiệp đầu tư hạ tầng truyền tải điện.
Sau một năm vận hành ổn định, Trạm biến áp 500KV Thuận Nam và đường dây 500KV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 2,5 tỷ KWh, góp phần rất lớn đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cũng như hiện thực hóa quyết tâm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đối với tầm nhìn chiến lược năng lượng tái tạo 2030-2045.
Nói như vậy có thể thấy được tầm quan trọng của việc để cho tư nhân đầu tư vào dự án truyền tải điện.
Sáng 8/12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 6, thảo luận sửa 8 luật (gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Trong đó, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện.
Việc để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.
Sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đề xuất sửa Điều 4 theo hướng, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.
Đa số ý kiến thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường khi thẩm tra sơ bộ đều đồng tình cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định phạm vi giới hạn về thu hút đầu tư tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối với phương thức đầu tư phù hợp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, trước đây Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, gồm cả khâu xây dựng, vận hành, quản lý. Nếu mở cho mọi thành phần kinh tế, tức gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đường dây, trạm truyền tải, gồm cả các loại hệ thống truyền tải điện quan trọng, xương sống như trạm, đường dây 500KV vào trục Bắc - Nam, cần phân định rõ loại đường dây truyền tải điện nào nhà đầu tư tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao EVN làm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình cần quy định rõ trong luật sửa đổi, là đường dây trên 500KV không phân cấp cho tư nhân làm. Còn với đường dây truyền tải dưới 500KV, mọi thành phần có thể tham gia nhưng vẫn có những dự án quan trọng Nhà nước làm theo quy hoạch. Chẳng hạn, đoạn đường dây truyền tải ngắn nhưng đi qua khu vực an ninh, quốc phòng thì bắt buộc Nhà nước phải đầu tư.
Thay mặt Chính phủ giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Dự thảo luật sẽ nêu cụ thể loại công trình lưới điện truyền tải nhà đầu tư tư nhân được rót vốn.
"Các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500KV và siêu cao áp 800KV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500KV (như đường dây 100KV, 220KV) thì cho phép tư nhân tham gia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện, gười dân cũng không phát sinh thêm chi phí và doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ông Diên cũng cho biết, khi tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải phải tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, chịu sự quản lý Nhà nước về vận hành như phải cho phép các chủ thể khác được quyền đấu nối vào lưới điện truyền tải.
Văn Huy - TTTĐ