Đồng Nai cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp

29/06/2021 17:08

Kinhte&Xahoi Để thực hiện mục tiêu “kép”, đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước, Đồng Nai đang cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Sau một thời gian khá dài bảo toàn thành trì chống dịch Covid-19 khá hiệu quả, đáng báo động là mấy ngày gần đây, tại tỉnh Đồng Nai đã liên tục xuất hiện nhiều ca dương tính do lây nhiễm trực tiếp từ Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo ngành y tế địa phương bày tỏ lo ngại, với mật độ ca dương tính cao và đã lây thứ phát nên trong một đến hai ngày tới có thể có ca dương tính ở F2.

Để thực hiện mục tiêu “kép”, đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước với số lượng công nhân lên tới hơn một triệu người, cả hệ thống chính trị ở Đồng Nai đang cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trong đó, giải pháp bố trí tối thiểu 20-50% công nhân ăn, ở tại doanh nghiệp lần đầu tiên cũng đã được tính đến.

Toàn tỉnh có gần 51.000 người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Sáng nay 29/6, Sở Y tế Đồng Nai xác nhận có thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng tổng số các trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương lên con số 19 trường hợp từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay.

Đáng chú ý, chỉ trong 3 ngày qua, tại Đồng Nai đã có tổng cộng 15 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng liên quan chợ đầu mối Hóc Môn ở TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện phổi tỉnh Đồng Nai cách ly và điều trị. Trong đó, 2 ca dương tính mới nhất được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai phát hiện ở khu cách ly tập trung trường Đại học miền Đông, huyện Thống Nhất. Trung tâm y tế huyện Thống Nhất cũng đã làm test nhanh cho các tiểu thương, tài xế tại chợ Dốc Mơ thuộc xã Gia Tân 1 và chợ đầu mối Dầu Giây tại thị trấn Dầu Giây với trên 500 mẫu và tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các tiểu thương, tài xế tại xã Gia Tân 3 và xã Gia Kiệm. 

Trước diễn biến nhanh, khó lường của dịch bệnh, nhất là có nhiều trường hợp là các ca bệnh liên quan đến các khu công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn trong các khu công nghiệp và cộng đồng, Bộ Y tế vừa có văn bản số 5176 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh về việc đề xuất thực hiện các biện pháp bổ sung công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, nêu rõ, liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai cần thành lập 100 đoàn, do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai làm đầu mối, khẩn trương tiến hành triển khai hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn ngoài khu công nghiệp. Yêu cầu trong vòng 5 ngày phải thực hiện xong hướng dẫn, đánh giá an toàn cho các doanh nghiệp và tái kiểm tra 1 tuần/lần để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. 

Đề nghị thí điểm doanh nghiệp tự triển khai test nhanh COVID-19 cho công nhân và giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp. Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần trong thời gian có dịch.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TT-TT nghiên cứu áp dụng phần mềm quản lý giám sát, truy vết công nhân do Bộ y tế xây dựng, đã triển khai hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang hoặc phần mềm Atalink để quản lý công nhân, truy vết khi có xuất hiện ca F0 trong khu công nghiệp.

Trong các doanh nghiệp, mỗi phân xưởng/tổ/bộ phận sản xuất phải thành lập một Tổ an toàn Covid-19, hàng ngày đi kiểm tra giám sát thực hiện 5K trong phân xưởng. Kịp thời phát hiện các trường hợp có bất thường về sức khỏe, báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Giao Công an tỉnh, Sở GT-VT điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại các khu công nghiệp.

Đặc biệt, văn bản của Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp bố trí tối thiểu 20% - 50% công nhân ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi có ca F0 trong doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, trong một văn bản phát đi ngày 28/6, Chủ tịch UBND tỉnh  Đồng Nai thống nhất chủ trương thực hiện phương án cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bố trí NLĐ làm việc, ăn, ở, tạm trú tại DN đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, lưu ý, việc bố trí NLĐ làm việc và tạm trú tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải có sự thoả thuận thống nhất giữa DN với Công đoàn cơ sở và NLĐ. Các điều kiện ăn, ở tại nơi lưu trú của NLĐ phải đảm bảo an toàn trong công tác PCCC, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, các điều kiện tối thiểu phục vụ nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần cho NLĐ (sách, báo, intetnet); số lượng NLĐ bố trí tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh việc bố trí quá đông công nhân, NLĐ tại một địa điểm.

UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các DN chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm SARS- COV-2 đối với NLĐ và khi có kết quả âm tính thì mới bố trí tạm trú tại DN (chi phí do phía DN chi trả).

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, đơn vị đang xem xét lại việc mở rộng khu vực phong tỏa. Bởi hiện nay, có trường hợp ca dương tính đã lây thứ phát, ca F1 bị lây nhiễm bệnh có nồng độ virus cao nên có nhiều khả năng sẽ lây cho cả đối tượng F2.

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 51.000 người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, thuộc các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ. Số lượng các doanh nghiệp đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 rất lớn nhưng nguồn vaccine rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế giới thiệu nguồn cung cấp vaccine phòng Covid-19 để tỉnh chủ động mua.

 Đức Nghĩa - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dong-nai-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-trong-cac-doanh-nghiep-d159444.html