Số lượng ca mắc COVID-19 tại Châu Âu đang gia tăng ở tốc độ gấp gần 1,5 lần sau một tuần. Các nghiên cứu mới được công bố tại lục địa già cho biết, biến chủng BA.4 và BA.5 có mức độ lây nhiễm nhanh hơn, trung bình một người nhiễm virus lây truyền cho khoảng 18 người khác, tương đương với tỷ lệ lây nhiễm ở bệnh sởi.
Một nghiên cứu nghi ngờ BA.4 và BA.5 không chỉ tác động tới các cơ quan hô hấp mũi họng mà còn có thể lan cả xuống phổi.
Số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Pháp trong tuần qua đã lên tới 120.000 người (Ảnh: Reuters)
Pháp và Italy ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao trên 100 nghìn ca/ngày. Trong tuần qua, số mắc mới trung bình mỗi ngày tại Pháp là 120 nghìn ca. Riêng ngày 5/7, nước này ghi nhận hơn 206 nghìn ca mắc mới COVID-19.
Số ca mắc COVID-19 tại Pháp tăng nhanh trong những tuần gần đây được cho là do tâm lý chủ quan của người dân và sức đề kháng của vắc xin bắt đầu giảm theo thời gian.
Ngày 5/7, Italy thông báo 132.274 ca mắc mới, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca kể từ đầu tháng 2.
Số liệu cùng ngày của Liên đoàn Các cơ quan y tế và bệnh viện Italy (FIASO) cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 trong một tuần đã tăng 84%, từ 51 trẻ trong ngày 28/6 lên 94 trẻ vào ngày 5/7.
Theo FIASO, 78% số ca phải nằm viện là trẻ em dưới 5 tuổi do tại Italy chưa có vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này.
Trước tình hình này, các nước Châu Âu đang lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối mùa thu đầu mùa đông năm nay, khi trời trở lạnh, thuận lợi cho virus dạng này phát triển. Nhiều nước đang xây dựng các kịch bản ứng phó, trong đó có tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế Pháp xác nhận sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho những người dễ bị tổn thương và trên 60 tuổi. Các số liệu thống kê cho thấy, mới chỉ có gần 3 triệu trong tổng số 8,7 triệu người Pháp đủ điều kiện đã tiêm mũi vắc xin thứ 4.
Giới chuyên gia y tế của New Zealand cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới tại nước này, với các trường hợp nhiễm virus đang gia tăng và nhiều loại biến thể đồng thời xuất hiện. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại New Zealand cán mốc 7.246 người/ngày, tăng so với mức 5.480 người/ngày của tuần trước đó.
Indonesia và Philippines đã phát hiện các ca nhiễm BA.4 và BA.5. Các quan chức Indonesia cho rằng làn sóng lây nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 có thể đạt đỉnh vào tháng 7. Tại Singapore, khoảng 45% số ca mắc mới trong cộng đồng trong tuần qua do 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5.
Nhiều nước đang xây dựng các kịch bản đối phó với COVID-19, trong đó có tiêm chủng mở rộng (Ảnh: AP)
Biến chủng BA.4 và BA.5 cũng đã trở thành những biến thể chủ đạo gây ra các ca mắc mới tại Mỹ. Theo ước tính BA.4 và BA.5 chiếm hơn 70% các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở Mỹ. Hiện cả nước Mỹ ghi nhận trung bình gần 110.000 ca mắc mới mỗi ngày, cao hơn khoảng 10.000 ca so với mức trung bình một tuần trước đó.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người trên 50 tuổi không nên trì hoãn việc tiêm mũi tăng cường vì nguy cơ tái nhiễm lúc này rất cao.
BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu vào tháng 3/2022. Cũng trong tháng 3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa hai dòng phụ này vào danh sách cần giám sát. Đến tháng 5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đưa BA.4 và BA.5 vào danh sách các biến thể đáng lo ngại.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết, BA.4 và BA.5 không làm bệnh nặng hơn chủng gốc Omicron nhưng dường như dễ lây lan hơn.
Về cơ bản, WHO tiếp tục yêu cầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới duy trì các nỗ lực tiêm chủng, đặc biệt là tiêm liều bổ sung và nhắc lại cho nhóm dân số nguy cơ cao và dễ bị tổn thương trước COVID-19 như nhân viên y tế, người cao tuổi và đối tượng mắc bệnh lý nền.
TS Sorroco Escalante - quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt mục tiêu của WHO là bao phủ tiêm phòng đủ liều cơ bản vắc xin COVID-19. Với cách làm tương tự, Việt Nam cũng có thể đẩy nhanh tiêm mũi 3, 4 để bảo vệ người dân trước sự xâm nhập của biến thể Omicron BA.5.
WHO kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người nhằm khống chế COVID-19 một cách lâu dài và bền vững, bằng cách đi tiêm phòng khi tới lượt. Ngoài ra, những biện pháp y tế công phù hợp như đeo khẩu trang, rửa tay, mở cửa sổ để đảm bảo thông gió tự nhiên vẫn là các biện pháp hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19. |
Ngọc Ly - TTTĐ