Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã coi hạ tầng là một trong 3 chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Ông Dũng nhấn mạnh, mục tiêu triển khai 2 dự án này không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải "biến" nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không làm xáo trộn vào sự ổn định với người dân. Đồng thời, chính sách đền bù ở vùng giáp ranh sẽ có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để không có sự tái lấn chiếm.
Lý giải về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành.
Về hình thức đầu tư, Bộ trưởng Dũng cho biết, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó đã chuyển sang đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; Về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; Việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; Về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; Việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến các bày tỏ tán thành sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: phạm vi và quy mô dự án, những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, cân nhắc tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan, việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM trình Quốc hội xem xét thông qua.
Diệu Linh - TTTĐ