Dự án Golden Palace: Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá

28/07/2021 16:09

Kinhte&Xahoi Thông tin này được Thanh tra Chính phủ khẳng định trong một văn bản ban hành mới đây.

Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội trong giai đoạn 2003-2016.

Giao đất không qua đất giá, vi phạm Luật Đất đai

Tại dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 trong Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, nhưng năm 2009, UBND Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá. Điều này vi phạm khoản 1, điều 58 Luật Đất đai 2003 và vi phạm Quyết định số 216/2005 của Thủ tướng.

Dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 trong Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy được Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá. Ảnh Chí Kiên

Liên quan việc điều chỉnh dự án, bổ sung thêm chức năng dịch vụ, thương mại, căn hộ ở nhưng vẫn bảo đảm đủ diện tích đỗ xe cho nhu cầu công cộng và văn phòng cho thuê trong Khu đô thị theo mục tiêu ban đầu, phù hợp Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 36/2014/TT/BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát.

Tháng 12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi báo cáo số 438/BC-BTNMT tới Thủ tướng Chính phủ, và nêu rõ: Dự án này khi xác định tiền sử dụng đất không gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ cũng đồng ý với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội khi liên danh đã góp vốn 44,084 tỷ đồng, khi rút khỏi liên danh, Tổng Công ty thu về tổng số tiền là 46,464 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội cần kiểm tra, xem xét quyền lợi của Tổng Công ty khi rút khỏi liên danh không tham gia thực hiện dự án.

Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội  thu về hơn 46 tỷ đồng khi rút khỏi liên danh. Ảnh Chí Kiên

Với những kết quả rà soát nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo thực hiện Kết luận Thanh tra số 1468/KL-TTCP ngày 4/9/2018 và một số kiến nghị bổ sung như: Giao Bộ Tài chính thống nhất với UBND TP Hà Nội xử lý quyền lợi của Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội khi không tiếp tục tham gia thực hiện dự án, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật và tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi nhượng quyền thuê đất.

Được biết, ngày 3/3/2021, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 223/BTC-QLCS về việc Thành phố Hà Nội xem xét quyền lợi của Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội khi không tiếp tục tham gia thực hiện Dự án tại lô đất C3 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để xử lý theo quy định đúng của pháp luật.

Lịch sử dự án 

Khu đất C3 ven đường Lê Văn Lương thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính có diện tích hơn 2.400 m2 nằm trong khu đất của Dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư Trung Hòa Nhân Chính.

Theo Báo Thanh niên đăng tải năm 2020, ban đầu, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico). Khu đất được giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách, được quy hoạch làm bãi đỗ xe.

Tháng 3/2004, UBND TP Hà Nội có văn bản giao cho Handico là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm chủ đầu tư, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng tại khu đất C3 theo quy hoạch được duyệt. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đến tháng 3/2010, Sở KH-ĐT Hà Nội đã đề xuất cho phép điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch ô đất C3 theo ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và được UBND TP.Hà Nội chấp nhận. Đến tháng 9/2010, khu đất C3 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã được điều chỉnh có chức năng ở.

Hiện dự án đã đi vào hoạt động, cư dân đã về ở đông đúc. Ảnh Chí Kiên.

Tháng 12/2010, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận liên danh 3 đơn vị là Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư dự án tại ô đất C3.

Đến tháng 3/2011, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận Dự án đầu tư khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô đất C3 cao 17 tầng, 3 tầng hầm, 112 căn hộ, đồng bộ cùng khu dịch vụ thương mại nhà trẻ, văn phòng, tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỉ đồng.

Tháng 11/2012, liên danh chủ đầu tư Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty Hà Nội Xanh báo cáo xin điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Sau đó, Sở KH-ĐT báo cáo UBND TP Hà Nội về việc Handico và Công ty Hà Nội Xanh xin rút khỏi liên danh chủ đầu tư dự án với lý do thị trường bất động sản trầm lắng.

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận, chỉ còn Công ty Hoàng Cường làm chủ đầu tư dự án. Tháng 11/2014, UBND TP Hà Nội lại cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án là Công ty Hoàng Cường.

Tháng 1/2015, Sở TN-MT báo cáo việc Công ty Hoàng Cường và Handico đã ký thanh lý hợp đồng, hoàn trả cho Handico chi phí đầu tư xây dựng là hơn 46 tỷ đồng. Đồng thời, Sở này đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi hơn 2.400 m2 đất khu C3 giao cho Công ty Hoàng Cường để thực hiện dự án đầu tư tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ, thương mại Golden Palace” - Hết trích đăng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-golden-palace-ha-noi-giao-dat-cho-doanh-nghiep-khong-qua-dau-gia-d161828.html