Xây dựng không cần giấy phép
Tháng 1/2020, sau quá trình thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã ban hành kết luận Thanh tra liên quan đến Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây (tên thương mại Mercure SaPa Resort & Spa) do Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa làm chủ đầu tư. Dự án có địa chỉ tại xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây (tên thương mại Mercure SaPa Resort & Spa).
Được biết, dự án này được chủ đầu tư quảng bá rất tốt, với một số tên gọi như Mercure SaPa Resort & Spa hay Sapa Jade Hill Resort & Spa. Trong suốt nhiều năm qua, dự án được coi là một trong nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn khách du lịch khi đặt chân tới Sapa.
Qua tìm hiểu, dự án Mercure SaPa Resort & Spa được phê duyệt chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 21/6/2012 và được điều chỉnh tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 của UBND tỉnh Lào Cai.
Theo phê duyệt, diện tích sử dụng đất 46,99ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.211.829.530.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và các nguồn vốn khác. Hình thức quản lý dự án là chủ đầu tư trực tiếp quản lý. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến hết năm 2023.
Dự án này được chủ đầu tư quảng bá rất tốt, với một số tên gọi như Mercure SaPa Resort & Spa hay Sapa Jade Hill Resort & Spa.
Giai đoạn năm 2017, ông Vũ Hùng Dũng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện Sa Pa.
Cơ quan chức năng chỉ rõ, chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án trước khi có hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt (thi công bắt đầu từ năm 2015 và hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt năm 2019).
Tháng 12/2017, Sở Giao thông vận tải – xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa đối với hành vi nêu trên.
Hành vi vi phạm này là sự coi thường tôn nghiêm pháp luật của chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân tại sao phía chủ đầu tư lại thi công trước khi được cấp Giấy phép xây dựng, Pháp luật Plus khá bất ngờ trước câu trả lời từ phía đại diện Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa.
“Việc thi công từ trước và đã bị xử phạt. Nguyên nhân do cơ quan Nhà nước chậm cấp phép, do các yêu cầu của họ, văn bản giấy tờ qua lại, yêu cầu điều chỉnh rất nhiều và chúng tôi chủ động thi công trước.
Khoảng hơn chục căn biệt thự. Đó là thực trạng chung, còn ngồi chờ cơ quan Nhà nước thì phá sản”, ông Cao Văn Tuân – đại diện Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa cho hay.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ, việc xác định quy mô đầu tư cảu chủ đầu tư chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh chấp thuận đầu tư, thay đổi mật độ xây dựng từ 9,6% lên 19,7%.
Công tác thi công, nghiệm thu hoàn công của đơn vị còn thực hiện thi công trước khi hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt (thi công năm 2015, năm 2019 hồ sơ thiết kế mới được duyệt).
Đốc thúc nhà thầu nộp thuế
Về thuế thu nhập doanh nghiệp vãng lai ngoại tỉnh phải nộp đối với hoat động chuyển nhượng bất động sản (tạm tính), theo báo cáo của chủ đầu tư, năm 2019, công ty chưa kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp vãng lai từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 với số tiền tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ 1% là 533.536.491 đồng.
Trụ sở Công ty cổ phần Trường Giang Sa Pa tại Hà Nội. Ảnh Chí Kiên.
Về thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh phải nộp đối với các nhà thầu, công ty và một số đơn vị ngoại tỉnh xây dựng công trình tại Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa, đến thời điểm thanh tra, công ty đã nghiệm thu khối lượng cho 20 đơn vị thi công với giá trị hoá đơn là 136.217.166.886 đồng, doanh thu trước thuế là 123.883.788.079 đồng, thuế giá trị gia tăng vãng lai 2% là 2.476.675.762 đồng.
Trước đó, ngày 16/2/2017, Thanh tra tỉnh cũng ban hành Kết luận số 02/KL-TT về việc thanh tra đối với dự án này. Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi tiền sai phạm về thuế giá trị gia tăng vãng lai đối với 8 đơn vị thi công các công trình trong dự án và yêu cầu Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa làm việc với các nhà thầu và đôn đốc các nhà thầu thực hiện nộp số tiền sai phạm vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh hoặc Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa trích nộp số tiền thuế vãng lai của các nhà thầu vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.
Được biết, Thanh tra tỉnh đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhưng đến nay vẫn còn 3 đơn vị chưa thực hiện nghiêm quyết định thu hồi, cụ thể là Công ty TNHH Mây tre đan Bông Mai, Công ty TNHH Vạn Hải, Công ty TNHH Xây dựng Vạn Tường.
Thanh tra tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa làm việc với 3 nhà thầu nêu trên, yêu cầu nộp số tiền 255 triệu đồng thuế giá trị gia tăng vãng lai hoặc công ty trích nộp số tiền thuế vãng lai của 3 đơn vị trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Lào Cai.
Thanh tra tỉnh cũng đề nghị Chi cục Thuế huyện Sa Pa phối hợp với Công ty Cổ phần Trường Giang Sa Pa xác định số thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh phải nộp 2% chưa kê khai là 2.476.675.762 đồng đối với các nhà thầu.
Bàn luận về nội dung này, ông Cao Văn Tuân – đại diện Công ty cổ phần Trường Giang Sa Pa cho hay: “Sau tết Nguyên đán Công ty mới nhận được Kết luận hơn chục ngày. Hiện Công ty đã liên hệ với các nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu nộp thuế vãng lai, hơn 200 triệu đồng”.
Trước dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Cao Văn Tuân cũng cho hay, hiện công suất phòng đang đạt mức 0%, Công ty đang phải chi trả lương cho gần 150 cán bộ, nhân viên tại dự án.
Qua rà soát tại Kết luận Thanh tra do Thanh tra tỉnh Lào Cai ban hành, Pháp luật Plus nhận thấy việc "thiếu sót" khi Thanh tra tỉnh chưa đề nghị UBND tỉnh Lào Cai làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân UBND Thị xã Sa Pa (UBND huyện Sa Pa cũ) giai đoạn 2015 - 2017 khi để xảy ra sự việc xây dựng không phép của Công ty cổ phần Trường Giang Sa Pa.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Được biết, năm 2015, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (cũ) là ông Trịnh Xuân Trường, trước đó nhiều năm ông Trường từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện. |