Dự án nuôi bò Bình Hà: Nơi nguyên TGĐ vừa bị khởi tố liên quan gì tới BIDV và HAGL?
Kinhte&Xahoi
Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Văn Dũng với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến siêu dự án nuôi bò thịt, bò giống tại Hà Tĩnh (hay còn gọi là dự án nuôi bò Bình Hà). Ông Đinh Văn Dũng nguyên là tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, chủ đầu tư siêu dự án trên.
Về ông Đinh Văn Dũng và công ty Bình Hà
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất từ Công ty Bình Hà, ông Đinh Văn Dũng sinh năm 1965, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 44 Lê Hồng Phong, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông Dũng là 1 trong 3 thành viên sáng lập Công ty Bình Hà, cùng với ông Thái Thành Vinh và ông Trần Anh Quang. Trong đó, ông Đinh Văn Dũng sở hữu 45% vốn, là cổ đông lớn nhất. Còn lại, ông Thái Thành Vinh nắm giữ 30% vốn, ông Trần Anh Quang nắm 25% vốn.
Toàn cảnh dự án chăn nuôi bò Bình Hà tại Kỳ Anh.
Không chỉ ông Dũng, ông Trần Anh Quang cũng từng có thời gian làm Tổng giám đốc Công ty Bình Hà (2016 - 2017). Ông Quang sinh năm 1982, hộ khẩu tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Công ty Bình Hà thành lập ngày 10/4/2015 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Từ 9 ngành nghề đăng ký kinh doanh ban đầu thuần về chăn nuôi trâu bò, gia súc gia cầm, trồng cây hàng năm..., Bình Hà bổ sung thêm 4 ngành nghề kinh doanh có kinh doanh, môi giới bất động sản, bán buôn máy móc phụ tùng.
Theo Quyết định số 99 được điều chỉnh từ Quyết định số 1300, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện siêu dự án nuôi bò giống và bò thịt của Bình Hà với quy mô dự kiến 254.200 con/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 4.582 tỷ đồng trên diện tích khoảng 2.163,5 ha. Dự án được thực hiện tại huyện Cẩm Xuyên (1.578,6 ha) và huyện Kỳ Anh (584,9 ha). Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định 1300 chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung quy hoạch dự án là ông Võ Kim Cự (tháng 4/2015) và quyết định 99 điều chỉnh là ông Lê Đình Sơn (tháng 1/2016).
Để triển khai dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất hàng nghìn ha rừng sang nuôi bò nên UBND tỉnh yêu cầu Bình Hà trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi.
Theo kế hoạch, từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016, Bình Hà phải hoàn thành xây dựng dự án, trong đó chậm nhất trước tháng 7/2015 phải có sản phẩm đợt đầu tiên với đàn bò quy mô hàng hóa lớn từ 10.000 con đến 30.000 con bò. Theo thông tin cập nhật, tính đến thời điểm hiện tại, công ty Bình Hà đã nhập về 30.000 con bò Úc theo đúng tiến độ giai đoạn 1 và chưa triển khai được giai đoạn 2.
Dự án liên quan gì đến BIDV và Hoàng Anh Gia Lai?
Vào khoảng năm 2015, HAGL đẩy mạnh việc nuôi bò tại Gia Lai. Khi ấy, HAGL và Nutifood đã làm dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng. Nhiều tờ báo sau đó đưa tin HAGL cùng công ty An Phú (Bình Định) cùng đầu tư dự án khoảng 80 - 100 triệu USD tại Hà Tĩnh với quy mô khoảng 100.000 con. BIDV cũng sẽ tài trợ vốn tối đa 80 - 90% với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Dự án nuôi bò của Bình Hà vắng tanh nhiều tháng nay.
Dự án chăn nuôi bò có mục tiêu khi hoàn thành, Hà Tĩnh sẽ trở thành trạm trung chuyển giống bò lớn chuyên cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, Nam Lào. Đây cũng được xem là dự án chăn nuôi bò lớn duy nhất tại khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, trong một văn bản hồi tháng 4/2016, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL khẳng định Tập đoàn không phải là cổ đông góp vốn và không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bình Hà. HAGL chỉ hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn ban đầu cho doanh nghiệp này.
Về phía ngân hàng, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Hà Tĩnh có ký kết hợp đồng tài trợ dự án của Bình Hà vào tháng 7/2015. Số vốn doanh nghiệp vay BIDV là 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng, các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại. Dự án đầu tư tín dụng này có thời hạn vay 10 năm, trong đó 2 năm đầu ân hạn. Lãi suất cho vay được áp dụng theo cho vay thương mại trên thị trường, 3 tháng điều chỉnh một lần. Số liệu 2016 cho thấy BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn..(xem thêm)
Tại buổi lễ, ông Kiều Đình Hòa - Giám đốc BIDV Hà Tĩnh cho biết, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn vừa được ký kết, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Đây là một dự án đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất mà Chi nhánh thực hiện từ trước tới nay, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
Bình Hà từng bị phạt vi phạm ô nhiễm môi trường
Theo thông tin đăng tải trên báo chí, dự án của công ty Bình Hà vi phạm công tác bảo vệ môi trường như không có hố xử lý phân bò, chưa xây dựng các hạng mục công trình xử lý rác thải, chất thải rắn, khu chôn lấp xác động vật tiêu hủy không đúng với quy hoạch được phê duyệt. Công ty cũng chưa đầu tư xây dựng bể biogas để xử lý nước thải, nước thải đang thải trực tiếp ra hồ sinh học… Công ty Bình Hà cũng bị từng bị phạt 140 triệu đồng cho các vi phạm môi trường trên.
Báo Hà Tĩnh còn dẫn lời ông Trần Hùng - quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nêu quan điểm: “Giai đoạn 2 của dự án, chủ đầu tư đề xuất chủ trương nuôi bò dưới tán rừng rộng 1.000 ha. Đây là rừng đầu nguồn nên việc thả khoảng 20.000 con bò dưới tán rừng sẽ rất khó kiểm soát về ô nhiễm môi trường nên chúng tôi đã kiến nghị không triển khai. Và với thực tế như hiện nay, dự án nên dừng lại ở quy mô từ 40.000 - 50.000 con là hợp lý, thay vì mở rộng đến hơn 250.000 con như dự định ban đầu”.
Được biết, Bình Hà còn có kế hoạch trồng chuối trong 1 phần đất của dự án. Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên báo Hà Tĩnh hồi đầu tháng 4 năm nay, cỏ mọc cao hơn cả chuối.
Theo baogialai.com.vn/hoanhap.vn