Dự thảo xử phạt lĩnh vực xây dựng: Tối đa lên 1 tỷ đồng

13/08/2021 08:08

Kinhte&Xahoi Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình và Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Theo đó, dự thảo này quy định cụ thể mức phạt, hình thức xử phạt đối với khoảng 70 loại vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Đồng thời cũng quy định rõ thời gian, thủ tục xử phạt, thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng.

Xử phạt đối với khoảng 70 loại vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Ảnh: Internet

Theo dự thảo, hình thức phạt tiền quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính, mức phạt tiền là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Còn đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Đặc biệt, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1 tỷ đồng. Với hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà là 300.000.000 đồng.

Dự thảo cũng nêu rõ, các đơn vị, cá nhân vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng là 01 năm; trong hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà là 02 năm.

Ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nghị định 139/2017/NĐ-CP).

Sau gần 04 năm thực hiện, việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của nghị định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng bộc lộ một một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần sửa đổi, bổ sung.

Do đó, theo Bộ Xây Dựng, việc thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế.

 Linh Chi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-thao-xu-phat-linh-vuc-xay-dung-toi-da-len-1-ty-dong-d163192.html