Trụ Sở Sở Nội vụ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Sở Nội vụ)
Cụ thể, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Sở Nội vụ Hà Nội ở địa chỉ số 18B đường Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Thời gian tạm đình chỉ từ 8h ngày 24/11 đến 8h ngày 24/12/2022.
Công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu Sở Nội vụ phải có trách nhiệm thi hành quyết định trên, đồng thời thực hiện, bổ sung các yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định pháp luật. "Sở Nội vụ bị tạm đình chỉ hoạt động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này theo quy định pháp luật", văn bản nêu rõ.
Một lãnh đạo Sở Nội vụ xác nhận Sở đã nhận được văn bản. Lãnh đạo Văn phòng Sở cho biết Công an Hoàn Kiếm tạm đình chỉ hoạt động với Sở là để yêu cầu khắc phục một số hạng mục về PCCC tại trụ sở như máy bơm, họng nước… chưa phù hợp tiêu chuẩn PCCC mới. Vị này giải thích thêm là đã đề xuất kinh phí để sửa chữa khắc phục và phối hợp phía công an để thực hiện, dự kiến sẽ sớm hoàn thành.
Sự việc công an quận tạm đình chỉ hoạt động của một sở, có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Thời gian 1 tháng với một sở chuyên ngành, không phải là ngắn.
Thế nhưng, nghĩ cho thấu đáo thì không thể đùa với lửa. Bản thân Sở Nội vụ cũng có lỗi vì đã để xảy ra tình trạng công trình thiếu an toàn PCCC. Rất nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra, nên không thể để thêm một trường hợp đáng tiếc nào nữa. Đừng để “chuyện đã rồi”, mới “giá như”.
Động thái trên của Công an quận Hoàn Kiếm cho thấy Hà Nội rất quyết liệt trong công tác PCCC. Đúng như trong thông báo kết luận của UBND TP tại hội nghị đánh giá tình hình, kết quả 1 tháng triển khai kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Theo đó, trong một tháng triển khai, lực lượng chức năng TP đã kiểm tra gần 73.000 cơ sở và đạt 54,25% chỉ tiêu toàn đợt. Trong đó, 2.781 trường hợp bị xử lý vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 30 tỷ đồng. Đơn vị chức năng cũng tạm đình chỉ hoạt động 664 cơ sở và đình chỉ hoạt động 357 cơ sở.
UBND TP yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, bổ sung và hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra 100% cơ sở trên địa bàn quản lý theo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra; giám sát chặt chẽ việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động…
Kết thúc đợt tổng kiểm tra, yêu cầu chủ tịch UBND cấp quận, huyện phải ký cam kết bằng văn bản về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Công an cấp huyện cam kết với chủ tịch UBND cấp huyện về số lượng, danh sách cơ sở do cơ quan công an quản lý. Chủ tịch UBND cấp xã cũng phải ký cam kết về số lượng, danh sách cơ sở thuộc cấp xã quản lý.
Sau ngày 15/12, địa bàn nào để sót, lọt cơ sở mà không đưa vào diện quản lý, công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động, không đạt kết quả kiểm tra theo tiến độ, sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp huyện, xã.
Trường hợp để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã.
TP đã gắn trách nhiệm rất rõ ràng như vậy và ai cũng biết hậu họa nếu lơ là với lửa thì tất cả càng nên ủng hộ những động thái quyết liệt, đúng quy định như của Công an quận Hoàn Kiếm.
Minh Khang - Pháp luật Plus