Được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Giáo viên trường tư ở Hà Nội phấn khởi, vui mừng

16/08/2021 18:00

Kinhte&Xahoi Giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường dân lập, tự thục các cấp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc không lương trong mùa dịch sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người.

Thông tin này đang khiến cho hàng nghìn giáo viên các trường tư thục trên địa bàn TP Hà Nội đón nhận với cảm xúc vui mừng, phấn khởi.

Chia khó cùng giáo viên trường tư

Theo đó, để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã rà soát đối tượng, tổng hợp và có tờ trình UBND TP Hà Nội về việc bổ sung chính sách hỗ trợ.

Đây đều là những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng chưa nằm trong quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP.

Giáo viên trường tư phải nghỉ việc không lương trong mùa dịch được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người

Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, dự kiến có khoảng trên 324.000 người được hỗ trợ theo chính sách đặc thù của TP Hà Nội, với tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.

Trong số 10 nhóm đối tượng bổ sung được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội, có 3 nhóm đối tượng liên quan đến các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở các cấp.

Cụ thể, những người lao động làm việc tại các trường dân lập, tư thục các cấp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg sẽ được hưởng mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, những người lao động làm việc tại các trường dân lập, tư thục các cấp có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19 cũng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Chính sách này cũng hỗ trợ thêm cho người đang mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi với mức 1 triệu đồng/trẻ.

Với những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/chủ cơ sở.

Hình thức hỗ trợ được đưa ra là chi trả 1 lần, thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không trùng lặp đối tượng. Mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ. Trường hợp một đối tượng hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.

Động lực để gắn bó với nghề

 Từ tháng 5 đến nay, khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội dừng đến trường để phòng chống Covid-19. Trong khi giáo viên công lập vẫn được hưởng lương từ ngân sách, giáo viên, người lao động tại cơ sở ngoài công lập phần lớn không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên niềm phấn khởi, vui mừng khi đọc được thông tin này, chị Đoàn Thị Thúy Hằng - giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hà Đông tâm sự: “Trong hoàn cảnh cả hệ thống chính trị đang dốc sức, dồn lực để chống lại dịch bệnh Covid-19 thì sự hỗ trợ, chia sẻ với giáo viên trường tư là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ. Đây là động lực khiến chúng tôi tin rằng, trong cuộc chiến này, “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Tôi thêm tin tưởng, yên tâm và thêm yêu, gắn bó với nghề hơn”.

Giáo viên trường tư vui mừng, phấn khởi khi "không bị bỏ lại phía sau"

Chị Hằng cho biết, trong suốt hơn 1 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và hoành hành, nhiều lần đến trường rồi lại phải nghỉ dài chống dịch, chị đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống khi thu nhập không còn nữa.

“Ban đầu, chúng tôi cũng được hỗ trợ trả lương nhưng dịch bệnh kéo dài ngoài sức tưởng tượng. Chủ trường cũng rất khó khăn khi phải xoay sở tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm nên không thể nào duy trì lương cho giáo viên. Để ổn định cuộc sống, tôi làm thêm đủ nghề, từ bán hàng online đến nhận giúp việc theo giờ…”, chị Hằng tâm sự.

Theo chị Hằng, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 chưa biết bao giờ sẽ kết thúc thì việc thành phố quan tâm hỗ trợ giáo viên trường tư… sẽ giúp các chị yên tâm hơn, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 chờ ngày cuộc sống được ổn định trở lại.

Đồng quan điểm trên, cô giáo Nguyễn Thùy Giang (Nhân Chính, Thanh Xuân) chia sẻ, nhiều tháng ròng không có thu nhập vì học sinh nghỉ học, trường đóng cửa để phòng dịch nhưng các khoản chi thường xuyên như ăn uống, điện, nước, mạng internet… lại tăng lên khiến cuộc sống của chị nói riêng và không ít giáo viên trường tư nói chung gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc TP Hà Nội quyết định hỗ trợ giáo viên là sự sẻ chia, động viên tinh thần vô cùng lớn lao giúp chị và các đồng nghiệp của mình giảm bớt khó khăn, gánh nặng trong cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề…

Theo UBND TP Hà Nội, hơn 17.500 người làm việc ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, chủ yếu là bậc mầm non, bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động. Số chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục phải dừng hoạt động là 2.740. Tổng số tiền dự kiến hỗ trợ ba nhóm này hơn 34 ,5 tỷ đồng.

Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giao-vien-truong-tu-o-ha-noi-phan-khoi-vui-mung-173891.html