F0, F1 các nước đi làm như thế nào?

15/03/2022 07:30

Kinhte&Xahoi Để sống chung với COVID-19, chấp nhận căn bệnh này là đặc hữu và không để dịch bệnh khiến các hoạt động xã hội đình trệ, nhiều quốc gia cho phép F0, F1 có thể làm việc trực tiếp hoặc online tại nhà.

Đảo quốc sư tử thay đổi một số quy định cách ly để để đưa người lao động nhiễm COVID-19 trở lại với công việc (Ảnh: AP)

Tại Singapore, nhờ các biện pháp tích cực đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin toàn quốc, các ca mắc COVID-19 ít chuyển biến nặng, tỷ lệ tử vong trung bình thấp. Phần lớn trường hợp tử vong là những người lớn tuổi có bệnh nền và một số chưa tiêm chủng vì lý do sức khỏe.

Chính phủ Singapore đã xác định đến lúc phải "sống chung" với COVID-19, xem nó như cúm mùa và những căn bệnh phổ biến khác. Từ đó, Singapore đã thay đổi một số quy định cách ly để để đưa người lao động nhiễm COVID-19 trở lại với công việc.

Tại đảo quốc sư tử, khi một ca mắc COVID-19 (F0) được ghi nhận, giới chức sẽ không tiến hành truy vết người tiếp xúc trên diện rộng. Thay vào đó, mọi người có thể tự kiểm tra bằng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho kết quả trong 20 phút. Nếu kết quả dương tính, những người này sẽ được xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR và tự cách ly tại nhà. Nếu F0 sức khỏe tốt thì có thể làm việc tại nhà. Trong trường hợp không đủ sức, nhân viên được nghỉ ốm có lương mà không cần giấy chứng nhận y tế.

Đối với những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với người nhiễm COVID-19, Bộ Y tế Singapore khuyến cáo xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ đầu. Nếu kết quả âm tính, họ có thể đi làm bình thường.

Tuy nhiên, F1 vẫn cần hạn chế tiếp xúc và tương tác với những người xung quanh, đồng thời thường xuyên tự xét nghiệm tại nhà bằng bộ dụng cụ chuyên dụng trong những ngày tiếp theo nhằm xác nhận mình không bị nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Singapore cho biết quy trình trên sẽ mang lại cho đất nước sự tự tin để tiếp tục mở rộng thêm các hoạt động xã hội, trong khi vẫn kịp thời ngăn chặn các cụm dịch nhỏ lẻ.

Singapore cũng tránh phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế mà tập trung phong tỏa theo khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Mỹ cho nhân viên y tế mắc COVID-19 tiếp tục làm việc (Ảnh: Getty)

Tại Mỹ, các cơ quan y tế trên khắp nước liên bang cho phép y tá và những nhân viên khác mắc COVID-19 tiếp tục làm việc nếu họ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nào.

Nhà chức trách y tế bang California thông báo, các nhân viên bệnh viện có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính nhưng không có triệu chứng có thể tiếp tục làm việc.

Một số bệnh viện ở bang Rhode Island và Arizona cũng thông báo nhân viên y tế có thể tiếp tục làm việc nếu họ không có triệu chứng hoặc chỉ bị bệnh nhẹ khi mắc COVID-19.

Trước đó, vào cuối năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly đối với những người bị nhiễm COVID-19 không triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày. Tuy nhiên, CDC Mỹ khuyến cáo sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Đây được coi là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, công sở thiếu nhân lực trầm trọng dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất, làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế.

Đầu tháng 2 năm nay, Nam Phi cũng giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19. Theo đó, những người có kết quả xét nghiệm dương tính và có triệu chứng sẽ chỉ cách ly 7 ngày thay vì 10 ngày. Những người tiếp xúc F0 không phải cách ly trừ khi họ có triệu chứng. Các trường học, doanh nghiệp được hoạt động với 100% công suất.

"Để sống chung với COVID-19, cộng đồng cần chấp nhận căn bệnh này là đặc hữu, không để dịch bệnh khiến các hoạt động xã hội bị đình trệ", đại diện quan chức Chính phủ Nam Phi cho hay.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/f0-f1-cac-nuoc-di-lam-nhu-the-nao-191726.html