Thị trường đang cho thấy sự dẫn dắt khá rõ nét của nhóm các cổ phiếu vốn hoá lớn đối với chỉ số chính. Phiên 25/7, VN-Index tăng tới 6,54 điểm tương ứng 0,66% lên 994,95 điểm và đang hướng đến mốc quan trọng 1.000 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,32 điểm tương ứng 0,3% lên 106,76 điểm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trên thị trường, số lượng mã - tăng giảm không có sự chênh lệch đáng kể. Theo thống kê của hệ thống chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có tổng cộng 330 mã tăng, 48 mã tăng trần so với 315 mã giảm và 33 mã giảm sàn.
Trong mức tăng chung của VN-Index thì riêng VHM đã đóng góp 1,68 điểm và VIC đóng góp 1,18 điểm. Ngoài ra, tác động từ SAB là 1,04 điểm, VCB là 0,88 điểm, BID là 0,77 điểm và GAS là 0,73 điểm…
Ở chiều ngược lại, VHM, VPB, MBB, PLX, NVL… giảm giá tuy nhiên, tác động từ mã này đến diễn biến VN-Index lại không lớn và theo đó, tạo thuận lợi cho VN-Index bứt phá trong phiên.
Giá trị vốn hoá của VIC vượt xa phần còn lại của thị trường
Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm qua tăng thêm 1.200 đồng tương ứng 1% lên 123.200 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất lịch sử của mã này kể từ khi niêm yết cho tới nay. Đây cũng là phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp của VIC và chi phối đáng kể đế diễn biến chỉ số VN-Index những ngày qua.
Diễn biến này của VIC đưa vốn hoá thị trường Vingroup trên sàn chứng khoán tăng lên con số 412.219 tỷ đồng, vượt xa so với phần còn lại của thị trường. Những mã có vốn hoá lớn khác trên sàn HSX là VHM của Vinhomes (293.082 tỷ đồng); VCB của Vietcombank (288.180 tỷ đồng); VNM của Vinamilk (217.848 tỷ đồng); GAS của PV GAS (206.707 tỷ đồng)…
Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng theo đó đã tăng lên 229.791 tỷ đồng. Con số này được tính toán dựa trên sở hữu trực tiếp của ông Vượng tại Vingroup là 876 triệu cổ phiếu VIC và 989,18 triệu cổ phiếu VIC mà ông Vượng sở hữu gián tiếp qua việc nắm giữ 92,88% cổ phần Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Như vậy, tính ra, giá trị tài sản trên sàn của người đàn ông giàu nhất nước đã vượt qua cả vốn hoá thị trường của hàng loạt công ty lớn như Vinamilk, PV GAS, Sabeco, ACV, BIDV, Masan Group, Viettel Global…
Trở lại với thị trường chứng khoán, thanh khoản đạt 171,78 triệu cổ phiếu tương ứng 4.467,25 tỷ đồng trên HSX và 22,73 triệu cổ phiếu tương ứng 351,06 tỷ đồng trên HNX.
VDSC cho rằng, dòng tiền tiếp tục nâng đỡ một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu họ Vincom, giúp VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục phân hóa. Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang dần hé lộ và đang tác động mạnh mẽ tới giá của các cổ phiếu.
Còn theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng tích cực trong một vài phiên kế tiếp. Dù vậy, diễn biến của thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong phiên cuối tuần.
Xu hướng hiện tại của thị trường vẫn được đánh giá ở mức tích cực với khả năng tiến đến thử thách vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 1.000 điểm trong ngắn hạn. Diễn biến của thị trường sẽ vẫn được hỗ trợ bởi hoạt động mua ròng bền bỉ của khối ngoại. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đang có dấu hiệu gia tăng ở một số nhóm cổ phiếu.
BVSC nhận định, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE, VJC, GAS, … sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc và tạo ảnh hưởng chi phối đến diễn biến thị trường.
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-60% cổ phiếu trong giai đoạn này. Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể xem xét bán trading tại vùng 995-1000 điểm.
Các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho các vị thế ngắn hạn, tập trung vào các cổ phiếu bluechips, vốn hóa lớn được dự báo có kết quả lợi nhuận tích cực trong quý II.