Gần 80 công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương năm 2020: Đổi tên công ty nhưng trách nhiệm không đổi
Kinhte&Xahoi
Gần 80 công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) bị nợ lương năm 2020 chưa được thanh toán, khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh khó khăn.
Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2020.
Nợ lương công nhân hơn 1,8 tỷ đồng
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Phương - Tổ trưởng Tổ Môi trường phường Cầu Diễn, người phụ trách theo dõi, quản lý, trả lương cho công nhân VSMT thuộc địa bàn hai phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), chị cùng gần 80 công nhân đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng quận Hà Đông về việc Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội nợ lương năm 2020 chưa thanh toán, khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Chị Phương cho biết thêm, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân trúng gói thầu thu gom rác từ năm 2017 – 2020 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Đến cuối năm 2020, công ty này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội và do không trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2021 nên DN này đã chấm dứt hợp đồng lao động với gần 80 công nhân. "Dù chấm dứt hợp đồng lao động nhưng công ty vẫn nợ lương công nhân từ tháng 7 - 12/2020 là hơn 1,8 tỷ đồng” - chị Phương cho biết.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Trần Thị Bích - quản lý chung Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, địa chỉ tại Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông xác nhận, công ty cũ có nợ lương công nhân số tiền 1,8 tỷ đồng theo sổ sách của kế toán. Bà Bích cho biết thêm, công ty nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của công nhân cũng như các cơ quan chức năng và đã có văn bản gửi phản hồi.
Chia sẻ về sự việc, bà Bích cho hay, căn cứ theo thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội được thành lập ngày 20/11/2020, các bên đã cam kết nghĩa vụ: “Các hoạt động từ trước cho đến hết ngày 20/11/2020 bên chuyển nhượng độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hợp đồng, thỏa thuận, chuyển nhượng, nghĩa vụ nợ; đối với các hợp đồng, giao dịch, thỏa thuận, phụ lục hợp đồng… phát sinh từ hợp đồng trước 20/11/2020 bên chuyển nhượng tiếp tục quản lý và chịu trách nhiệm”.
Theo bà Bích, ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cũng trao đổi nhiều lần với ban lãnh đạo công ty cũ nhưng bên chuyển nhượng vẫn chưa thực hiện triệt để, đúng và đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm dẫn tới việc nợ lương công nhân, ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Hiện nay, công ty vẫn đang nỗ lực làm việc với ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cũ để giải quyết cho người lao động. "Nguyên nhân của việc nợ lương một phần do việc thanh, quyết toán khối lượng đã được nghiệm thu cũng như khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng mà công ty thực hiện chưa được thanh toán kịp thời, gây nhiều khó khăn cho DN" - bà Bích cho biết thêm.
Doanh nghiệp đổi tên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động
Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tên DN, người đại diện theo pháp luật là quyền lựa chọn của mỗi DN và pháp luật cho phép thay đổi nhiều lần, không giới hạn. Tuy nhiên, mã số thuế hay mã số DN thì chỉ có một. Vì vậy, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân sau này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội vẫn không ảnh hưởng đến các quan hệ giữa pháp nhân này đối với cá nhân, tổ chức khác. Do đó, hợp đồng lao động giữa các công nhân ký với công ty và trách nhiệm về tiền lương cho công nhân, nhân viên thuộc về công ty, chứ không phải cá nhân của bất kỳ ai. Việc chuyển nhượng vốn góp không thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, người lao động.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người lao động. Do đó, người sử dụng lao động phải bảo đảm người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn. Có trường hợp người sử dụng lao động được phép chậm lương người lao động vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không quá 30 ngày.
Căn cứ khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu chậm lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Việc các cổ đông chuyển nhượng vốn góp và có các thỏa thuận về trách nhiệm như các bên đã nêu sẽ thực hiện theo phương thức cá nhân hoàn lại cho công ty theo những gì đã thỏa thuận.
Theo luật sư Hoàng Tùng, để đòi quyền lợi của mình, người lao động có thể viết đơn khiếu nại gửi tới Phòng LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH để được giải quyết. Hoặc người lao động có thể thông qua hòa giải viên lao động để hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hay hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể khởi kiện tại Tòa án.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công văn số 5343 /UBND-TKBT về việc thanh tra công tác VSMT trên địa bàn TP liên quan đến Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân. Trong đó giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng thanh tra toàn diện về công tác VSMT trên địa bàn TP liên quan đến Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân; báo cáo Thành ủy, UBND TP thường xuyên về tiến độ thực hiện.
|
Nguyễn Minh - Theo KTĐT