Gấp rút khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 trước Tết Nguyên đán 2023

15/12/2022 14:26

Kinhte&Xahoi Hàng loạt các gói thầu của dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2017 đã được Bộ Giao thông Vận tải ấn định thời gian khởi công trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu khởi công 25 gói thầu cao tốc Bắc - Nam trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Giao thông vận tải vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến về kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án...

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong nội dung kết luận lần này chính là việc ấn định các mốc thời gian khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với 12 gói thầu khởi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện công tác chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân vốn giải phóng mặt bằng đã bố trí năm 2022, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022.

Các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khởi công, sau khi khởi công phải thực hiện ngay việc triển khai thi công.

Bộ trưởng chỉ đạo "Đối với 13 gói thầu còn lại, các Ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và các đơn vị liên quan, hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15/1/2023 (trước tết Nguyên đán Quý Mão 2023)".

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, đến ngày 25/11, có 7/12 địa phương đã giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ trên 60%, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

12 gói thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 sắp được khởi công.

"Còn lại 5/12 địa phương chậm giải phóng mặt bằng, chưa đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ, gồm Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP. Cần Thơ", thông báo nêu rõ.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các dự án làm việc với các địa phương có dự án đi qua “Để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, các Ban Quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan của các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án đáp ứng tiến độ khởi công các gói thầu”, Bộ trưởng yêu cầu.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa, 4 dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ chính thức thông xe. Thời điểm này tiến độ thi công phải hết sức khẩn trương để có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Không khí tại công trường đang rất khẩn trương, tất cả các nhà thầu, tư vấn, Ban Quản lý dự án đã huy động tối đa máy móc và nhân lực. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài thời gian qua, cũng như là một vài nơi có yếu tố địa hình phức tạp, đất nền yếu nên khiến cho tiến độ của dự án cũng bị chậm lại.

Công trường ban đêm, phần lớn các mũi thi công đều sáng điện. Đặc biệt với đoạn dự án có khu vực đất yếu nhiều như Mai Sơn - Quốc lộ 45, tổng dự án có chiều dài 63km thì có đến 23 km đất yếu.

Thời gian không còn nhiều, các biện pháp tăng tốc đã được tăng cường tối đa. Kể cả việc điều chuyển nhà thầu không đáp ứng được tiến độ cũng đã được áp dụng.

Cho đến thời điểm này, đoạn dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã đạt tiến độ hơn 80%. Đại diện ban quản lý dự án cho biết, hiện phần lớn những phần việc khó đã hoàn thành vì thế sẽ cán đích tiến độ.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng đinh sẽ đặt quyết tâm cao nhất để thông xe 4 dự án ngay trong năm 2022. Dự án nào, khâu nào chậm do yếu tố chủ quan sẽ ngay lập tức loại bỏ cá nhân thiếu trách nhiệm. Vấn đề đặt ra cao nhất đó là đáp ứng tiến độ nhưng chất lượng công trình vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Được biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính, gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi-Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ-Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.

Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án gồm 25 gói thầu, được đầu tư công hoàn toàn. Trong đó, 12 gói thầu đầu tiên sẽ được khởi công trong năm 2022 bao gồm: gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,28 km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km); Gói thầu XL02 đoạn Bùng - Vạn Ninh (19,27 km); gói thầu XL02 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km).

Cùng với đó, các gói thầu: XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km); gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km); dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu), chiều dài 37,65 km và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km), cũng rốt ráo chuẩn bị khởi công trước khi kết thúc năm 2022.

Thiên Phúc – Trọng Trung - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/gap-rut-khoi-cong-cao-toc-bac-nam-giai-doan-2-truoc-tet-nguyen-dan-2023-d187874.html