Gia cố thêm các biện pháp để không thể, không dám bạo lực gia đình

31/05/2022 19:58

Kinhte&Xahoi Theo Chủ tịch Quốc hội phải “gia cố” nhiều hơn nữa cho các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.

Góp ý tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chiều nay, 31/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn phải làm rõ hơn nữa các biện pháp “phòng” bạo lực gia đình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ

Theo Chủ tịch Quốc hội, “phòng” bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước. Nhưng đến nay, các quy định về biện pháp phòng bạo lực gia đình trong dự thảo Luật chưa thực sự thỏa mãn. Phần “chống” đã tương đối nhưng “phòng” còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào thông tin tuyên truyền.

Theo Chủ tịch Quốc hội phải “gia cố” nhiều hơn nữa cho các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình. “Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội nhưng dự thảo luật cũng chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, phải phát huy vai trò của nhà trường và xã hội nói chung đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình chứ không phải chỉ là vấn đề xã hội hoá nguồn lực để phòng, chống bạo lực gia đình (xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục suy nghĩ, làm rõ vấn đề này để làm sao đến kỳ họp cuối năm nay, khi dự luật được trình Quốc hội xem xét thông qua thì nhiều đại biểu Quốc hội tự tin rằng Luật ban hành sẽ tạo chuyển biến trong thực tiễn.

Nhấn mạnh việc nhận diện các hành vi bạo lực cả về thể chất và tinh thần là rất đúng đắn bởi nỗi đau tinh thần nhiều khi còn lớn hơn nhiều so với nỗi đau thể chất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phân tích, rà soát, nhận diện đầy đủ hơn nữa các hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật.

Cùng với đó, dự thảo Luật cần điều chỉnh bổ sung với người nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, gia đình người nước ngoài thì gồm: Gia đình có cả vợ - chồng là người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài. Nếu luật điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng phải giải thích rõ hơn.

Hay quy định tại khoản 2 Điều 4, tuy đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa rõ. Nếu viết như người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng cũng điều chỉnh như với người có quan hệ gia đình thì theo Chủ tịch Quốc hội sẽ “vô cùng lắm”. Bởi “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” có nội hàm rộng, có thể phát sinh giữa những người không có quan hệ gia đình (ví dụ quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội). Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ nên áp dụng đối với đối tượng từng có quan hệ gia đình, sau khi không còn quan hệ gia đình nữa thì do một số lý do, hoàn cảnh nhất định vẫn phải sống chung với nhau để bảo đảm tính khả thi. Nếu người từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhưng không còn quan hệ gia đình nữa thì khi đó các hành vi bạo lực nếu có sẽ bị xử lý theo pháp luật về dân sự, hình sự tuỳ mức độ.

“Chúng ta phải khuôn lại trong phạm vi cụ thể, viết từng trường hợp thì rất khó nhưng cách thức thể hiện cần nghiên cứu thêm để bảo đảm quy định vừa đúng về pháp lý vừa khả thi, nếu tất cả người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng đều xếp vào “gia đình” thì không đúng. Nếu mở quá như dự thảo Luật thì rất khó thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ hơn nữa để hoàn thiện quy định về trách nhiệm của từng cấp và phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thực tế từ trước đến nay, nhiều vụ việc bạo lực gia đình rất nghiêm trọng, phức tạp nhưng lại chủ yếu do các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội phát hiện chứ các cơ quan, thiết chế Nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị phát hiện chưa nhiều, nhất là vai trò chủ trì trong từng lĩnh vực một. Một mặt có những vụ việc tất cả các cơ quan đều vào, từ thôn, tổ dân phố, mặt trận, chính quyền… nhưng có những vụ việc do báo chí, dư luận Nhân dân phát hiện ra thì rất lúng túng trong việc xác định trách nhiệm, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp.

“Từ thực tiễn rất sinh động của cuộc sống, ở địa phương, chúng ta phải nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện, để làm sao có các quy định pháp luật sát sạt với cuộc sống và khả thi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Lan Chi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gia-co-them-cac-bien-phap-de-khong-the-khong-dam-bao-luc-gia-dinh-197746.html