Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao: Thách thức đáng lo ngại
Kinhte&Xahoi
Trong khi toàn thế giới đang nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 thì một thách thức không kém phần lo ngại khác lại nổi lên, đó là tình trạng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng ở mức cao kỷ lục. Thực tế này đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến các nền kinh tế vốn rất dễ bị tổn thương.
Đại dịch Covid-19 đã khiến giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao.
Theo đánh giá của trang Nikkei Asia, một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới tăng là do đại dịch Covid-19 bùng phát. Dịch bệnh làm cho người lao động không thể di cư sang các nước khác vào mùa thu hoạch, đẩy chi phí sản xuất ở những nước ít nhân công tăng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã góp phần tạo thêm các cơn bão và hình thái thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới, như mưa lớn ở Đông Nam Á, thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ. Từ đó ảnh hưởng lớn đến thời gian gieo trồng và năng suất cây trồng, vật nuôi.
Hai yếu tố chính này khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm quốc tế đạt mức cao nhất trong hơn 6 năm qua. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực, thực phẩm quốc tế tháng 1-2021 ở mức 113,3 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 7-2014. Đây là mức tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Riêng giá ngũ cốc tăng 24%, lên ngưỡng cao nhất trong 6 năm 8 tháng qua, còn giá đường, các sản phẩm sữa tăng lần lượt 8% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thông tin, ước tính có tới 17 triệu lao động nhập cư làm việc trong ngành Nông nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, tổng số người lao động trong nước của lĩnh vực nông nghiệp ở các nền kinh tế tiên tiến chỉ vào khoảng 13 triệu người.
Trong giai đoạn quý III-2020, việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đợt sụt giảm lớn nhất trong lịch sử. Các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Mỹ mất 490.000 việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, cao hơn mức giảm trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Tại Pháp, khoảng 80% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là người nhập cư, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.
Theo Đại học Oxford (Anh), đến cuối tháng 1 vừa qua, có 101 quốc gia vẫn áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập cảnh đối với một phần hoặc toàn bộ người từ nước khác, khiến nông dân nước sở tại gặp khó khăn trong việc thuê lao động theo mùa vụ.
Thêm vào đó, nhu cầu tăng đã tạo thêm áp lực đối với giá lương thực, thực phẩm toàn cầu. Thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, thương mại đối với nông sản đã tăng 50% trong vòng 1 thập kỷ, lên mức 1.600 tỷ USD vào năm 2019. Sự bùng nổ dân số ở các nền kinh tế mới nổi khiến nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tăng vọt.
Dưới tác động của toàn cầu hóa, các nền kinh tế phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực. Theo ILO, lạm phát lương thực tại 62/68 quốc gia được đánh giá đang cao hơn tỷ lệ lạm phát chung, con số cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Tại Mỹ, dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1-2021 cho thấy chi phí thực phẩm ăn tại nhà đã tăng 3,7% so với 1 năm trước.
Viện Kinh tế quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định rằng, những tác động của đại dịch Covid-19 - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai này sẽ kéo dài. Dù kinh tế thế giới đầu năm 2021 đã bắt đầu hồi phục với đà tăng đầy hứa hẹn trong một số lĩnh vực như ô tô, ngành công nghiệp chip... nhưng giá lương thực, thực phẩm tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Điều này tạo lực cản tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư.
Minh Hiếu - Hà Nội mới