Giá thịt lợn tăng cao nghi bị thao túng giá: Thủ tướng chỉ đạo 3 Bộ xử lý
Kinhte&Xahoi
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu báo cáo về nghi vấn giá thịt lợn bị thao túng.
Nghi vấn thao túng giá thịt lợn, Thủ tướng chỉ đạo điều tra. Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này, giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, thực hiện đầy đủ các giải pháp và xử lý theo thẩm quyền để bình ổn giá thịt lợn..
Thủ tướng cũng bày tỏ sự hoan nghênh với hội khi đã chủ động đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành về việc bình ổn giá thịt lợn.
Trước đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn gửi Thủ tướng và các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát dưới 4%, bằng mọi biện pháp phải kéo giá heo hơi xuống mức hợp lý.
Theo đó, Hội bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nhiều ý kiến nhận định bản chất giá thịt lợn cao là do mất cân đối cung - cầu. Tuy chưa công bố con số cụ thể về cân đối cung - cầu, song nguồn cung trong nước thiếu hụt do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi mặc dù hiện theo Bộ Nông nghiệp, dịch đã được kiểm soát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý 3/2019 đạt 771 nghìn tấn; quý 4/2019 đạt 731 nghìn tấn; quý 1/2020 đạt 811 nghìn tấn. Như vậy sản lượng thịt đã tăng dần đều, so với 2 quý trước đó.
Ngoài ra, theo Cục Thú y, tính đến ngày 6/5, Việt Nam đã nhập khẩu trên 46,4 nghìn tấn thịt lợn, tăng trên 328% so với cùng kỳ 2019.
Lượng nhập tăng trong khi cầu lại có dấu hiệu giảm. Cụ thể, từ cuối tháng 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa để chống lây lan dịch, nhu cầu dịch vụ ăn uống giảm. Giá thịt lợn đắt đỏ, người tiêu dùng cắt giảm hoặc chuyển sang sử dụng thực phẩm khác. Xuất khẩu 2 tháng giảm 21,1% so cùng kỳ 2019. Xuất lậu lợn cũng đã bị ngăn chặn do phòng chống dịch, cả hai bên biên giới đều kiểm soát chặt.
Song, một nghịch lý vẫn tồn tại là dù thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, cầu giảm, nhưng giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài cho đến nay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng mà còn liên quan đến chỉ số CPI.
Theo hiệp hội này, nhiều người cho rằng, do qua nhiều khâu trung gian nên giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Tuy nhiên, cũng chưa chỉ ra được khâu trung gian nào không hợp lý để từ đó có giải pháp.
Từ thực tế trên, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, cơ quan chức năng nên kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay. Tuy không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường, nhưng có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, từ đó áp đặt giá. Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi?
Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước minh bạch thông tin, thường xuyên cập nhật và cung cấp giá cả thịt lợn trong và ngoài nước. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, chống buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thu Hà