Giá trị văn hóa gia đình ngày càng phai nhạt?
Kinhte&Xahoi
Đó là nỗi niềm lo lắng chung của các đại biểu có mặt tại hội thảo “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vừa được Thành ủy TP.HCM tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường ĐH KHXHNV - ĐH Quốc gia TP.HCM, từ nhận thức lý luận cho đến trong thực tế, gia đình vẫn được xem là một trong những vấn đề có ý nghĩa lớn trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù vẫn luôn mang tính thiết thân nhưng đây vẫn là vấn đề thường xuyên còn tồn tại nhiều phức tạp.
Tính phức tạp của vấn đề chính là do bản chất gia đình vốn là một thực thể “tế bào sống” của xã hội, tất yếu sẽ là nơi hội tụ các quy luật khách quan xuất phát từ nhiều phía như văn hóa, kinh tế, chính trị… kết hợp cùng những yếu tố nội tại của bản thân từng gia đình cụ thể để tạo ra sự phát triển theo một xu thế nào đó.
Chính vì thế mà xu hướng phát triển của gia đình Việt Nam hiện nay là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức diễn ra ngày càng sâu sắc. Bên cạnh gia đình hạt nhân truyền thống đã hình thành nhiều mô hình khác, đó là mô hình gia đình khuyết thiếu ngày một gia tăng, mô hình gia đình liên tộc người, xuyên quốc gia phát triển trở thành phổ biến, mô hình gia đình đồng tính vượt qua các rào cản kỳ thị, văn hóa được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội và đang phát triển loại hình gia đình không đăng ký hết hôn…
Bên cạnh sự biến đổi về cấu trúc, chức năng gia đình cũng khác xưa. Các chức năng giáo dục, xã hội hóa và chức năng tâm lý, tình cảm sẽ phát triển theo hướng tôn trọng, đề cao giá trị cá nhân, dân chủ để phát huy, xây dựng tính sáng tạo.
Đã và đang tồn tại một thực tế là gia đình càng tiện nghi hơn, đầy đủ hơn dễ dẫn đến việc các mối quan hệ ứng xử trong gia đình càng trở nên kém bền chặt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín. Nhiều cha, mẹ do hoàn cảnh mưu sinh phải rời xa tổ ấm, không những không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con nhỏ mà bản thân cũng gặp rất nhiều nguy cơ và rủi ro khi sống xa gia đình.
“Trong điều kiện đó, cùng với sự phai nhạt tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên thất thường, lỏng lẻo thì các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình, trong đó đối tượng là trẻ em rất dễ bị tổn thương.
Đây là sự chuyển đổi tất yếu vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em hiện nay. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy và dự báo trước những hậu quả không mong đợi và sẽ để lại nhiều khiếm khuyết trong nhân cách của thế hệ tương lai”, theo ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận đúng hiện trạng cấu trúc gia đình hiện nay để có giải pháp tác động cho phù hợp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền gia đình hạt nhân truyền thống, có giải pháp đẩy lùi bạo lực gia đình gắn với gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa; xây dựng thêm kênh tuyên truyền về gia đình, giáo dục nhân cách, lối sống, tuyên truyền phong tục tập quán, những giá trị cổ truyền của gia đình, của dân tộc; sáng tác nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học - nghệ thuật gắn với chủ đề gia đình…
Kinh phí cho công tác gia đình cũng là vấn đề mà nhiều người tâm tư. Được biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM về nhân sự cán bộ gia đình tính trung bình, mỗi quận, huyện có 1, 2 người phụ trách, mỗi phường, xã không đến 1, 2 nhân sự.
Kinh phí mỗi quận, huyện hằng năm trung bình 50-60 triệu đồng; mỗi phường xã chỉ từ 15-20 triệu đồng. Việc quan tâm đầu tư về nhân sự và kinh phí cho công tác gia đình đang gặp nhiều khó khăn…
Xuân Hoa - Pháp luật Plus