Giá vàng hôm nay 2/1: Sau tăng mạnh, giá vàng đã chững lại
Kinhte&Xahoi
Giá vàng trong nước đã giảm nhẹ sau khi chạm ngưỡng 43 triệu đồng/lượng. Tại thị trường thế giới, kim loại quý này cũng không thể trụ lại ở mốc 1.520 USD/ounce
Giá vàng tại thị trường trong nước hiện đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 42,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,75 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên giảm 50.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Thương trường)
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 42,44 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,64 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên giảm 80.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 60.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 41,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,77 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên không thay đổi so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1.516,8 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 42,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, mức giá này thấp hơn khoảng 200.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC bán lẻ hiện hành tại thị trường trong nước.
Giá vàng thế giới hiện đang ở đỉnh của 3 tháng, Tổng cộng vàng đã tăng khoảng 18% trong năm nay. Đây là phiên tăng thứ năm liên tiếp của vàng giao ngay, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất hơn 4 tháng.
Ngoài nỗi lo thương chiến Mỹ - Trung, giá vàng còn được hỗ trợ bởi ba đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Mấy tháng gần đây, giá vàng được nâng đỡ thêm bởi sự giảm giá của đồng USD.
Cùng với đó, tuần qua một số nước châu Âu cũng ra đòn đáp trả Mỹ trong việc áp thuế lên một số hàng hóa công nghệ thuộc các doanh nghiệp lớn của nước này.
Theo giới phân tích, năm 2020, kim loại quý này có thể phải đối mặt với một số thách thức. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số cơ quan tài chính khác đã đưa ra dự đoán tình hình năm 2020 sẽ “tươi sáng” hơn so với năm 2019. Các thị trường cũng dự kiến đà tăng trưởng hồi phục vào năm 2020.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vàng vẫn còn nhiều trợ lực trong năm 2020. Số liệu kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế toàn cầu sắp kết thúc, nhưng chưa hoàn toàn có dấu hiệu phục hồi lực tăng như trước.
Khả năng xảy ra một “Brexit cứng” - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận vẫn còn và có thể “khuấy động” thị trường chứng khoán, qua đó đẩy giá vàng cao hơn. Những lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, nếu có, có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, vàng tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD giảm giá khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Nhiều lý do để các nhà đầu tư ở Nam Mỹ, Trung Đông và khu vực đồng euro sở hữu vàng cũng như các nhà đầu tư Mỹ, những người đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, trước các vấn đề như luận tội và chính trị bầu cử đáng lo ngại sắp tới.