Hiện giá vàng tại thị trường trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,59 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa. (Nguồn: KTĐT)
Mức giá này tăng 690.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 430.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 46,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,40 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 1.200.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 550.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 46,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,47 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 1.000.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục tăng mạnh và đang được giao dịch tại ngưỡng 1.589,1 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 44,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 29/2 công bố số liệu cho thấy, hoạt động chế tạo của nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong tháng 2/2020, thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phản ánh tác động to lớn của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá vàng đang tiếp tục phục hồi trở lại và chứng minh là tài sản dự trữ an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu “lao đao” vì dịch bệnh. Số lượng các trường hợp nhiễm tăng vọt, đặc biệt ở bên ngoài Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại về sự suy thoái toàn cầu kéo dài. Điều này khiến các nhà đầu tư bán tháo chứng khoán.
Những lo lắng về diễn biến dịch Covid-19 đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới rơi vào tình trạng tụt dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008, khi gần 6.000 tỷ USD đã bị “thổi bay” khỏi giá trị thị trường chứng khoán cho đến cuối tuần trước.
Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 12 và 11% chỉ trong tuần qua, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,307% trong bối cảnh tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng toàn cầu từ dịch bệnh Covid-19. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải có chính sách hạ lãi suất trong thời gian tới.
Các nền kinh tế thế giới lại tiếp tục trên đà trở nên tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, theo các nhà phân tích tại Bank of America Corp.
Theo đó, mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,8%, từ mức ước tính 3,1% trước đó, và nền kinh tế thế giới đang hướng đến năm kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng ở mức 5,2%, kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1990.
Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice ngày 27/2 cho hay dịch Covid-19 đang lây lan nhanh sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.