Giá xăng, dầu trong nước trước áp lực tăng mạnh
Kinhte&Xahoi
Giá dầu liên tiếp tăng cao do diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraine, tạo áp lực lớn lên giá xăng, dầu trong nước trước phiên điều chỉnh ngày 11-3.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,01%, lên 110,02 USD/thùng vào lúc 7h17 (giờ Việt Nam) ngày 10-3. Giá dầu thô Brent giao tháng 5 cũng tăng 0,23%, lên 112,59 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù không phải nước nhập khẩu lớn dầu thô của Nga nhưng quyết định trên của Mỹ có thể kéo theo các quyết định tương tự từ phía các đồng minh của nước này.
Theo các dữ liệu thống kê được công bố, hiện Nga đang xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày. Nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, dầu thô của Nga không thể xuất khẩu, có nghĩa thị trường sẽ thiếu hụt thêm 5 triệu thùng/ngày và buộc phải đi tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế.
Còn theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8-3 với RON92 là 133,8 USD/thùng, RON95 135,5 USD/thùng, tăng 18-20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Đặc biệt, xăng RON92 chạm mốc 150 USD/thùng, mức giá cao nhất trong vòng 14 năm qua.
Rõ ràng tốc độ tăng giá dầu thế giới như hiện nay đã và đang tạo áp lực lớn trong phiên điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước ngày 11-3. Điều này khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trong nước “đứng ngồi không yên”. Bởi nếu xăng tiếp tục tăng mà tỷ lệ chiết khấu cho doanh nghiệp không được cải thiện thì càng bán càng lỗ.
Thông tin thêm về điều này, bà Vũ Thị Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh xuất, nhập khẩu Vạn Thuận cho biết, cửa hàng kinh doanh xăng dầu của đơn vị (trên đường Nguyễn Xiển - Xa La) là đại lý nhượng quyền thương hiệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hiện nay việc kinh doanh xăng, dầu đang lỗ. Bởi mỗi lít xăng chỉ được chiết khấu 240 đồng.
Theo bà Phương, số tiền chỉ đủ để trả chi phí đưa xăng, dầu về cửa hàng. Còn các chi phí khác như nhân công, kho bãi, phí hao hụt…, doanh nghiệp đều phải tự chịu. Việc này kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Bà Phương kiến nghị, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, nghiên cứu, hỗ trợ tăng phí chiết khấu, ít nhất là 700 đồng/lít xăng để doanh nghiệp bảo đảm đủ định mức, duy trì cửa hàng.
Còn ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, hiện tại, liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn đang theo dõi sát tình hình thế giới để có tính toán điều hành bảo đảm đúng quy định và hài hòa lợi ích các bên.
Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, bộ này kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính xây dựng.
Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Cùng với đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, hiện tại, theo đánh giá của các nhà phân tích, mức giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới sẽ tác động lớn đến giá xăng, dầu thành phẩm trong nước. Theo tính toán, nhiều khả năng, trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng, dầu có thể tăng ở mức từ 3.800-4.800 đồng/lít. Mức tăng có thể giảm trong trường hợp nhà điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Hiện tại, giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng có giá là 26.830 đồng (với RON 95) và 26.070 đồng (với E5 RON92).
Thanh Hải - Hà Nội mới