Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2024.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Thanh Hoá)
Theo Chỉ thị, tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân vốn cao hoặc đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 và có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Song, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến ngày 18/8/2023 của tỉnh chỉ đạt 6.593 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch giao chi tiết, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho giải ngân những tháng cuối năm (phải giải ngân khoảng 8.330 tỷ đồng); trong số 94 chủ đầu tư, có đến 24 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh và 8 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023; đồng thời nâng cao tính sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Các cấp, các ngành phải xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 những tháng cuối năm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra từ đầu năm và tại các thông báo kết luận các Phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, các hội nghị giao ban toàn tỉnh về đầu tư công và tại Chỉ thị này.
Các địa phương, chủ đầu tư đến ngày 18/8/2023 có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả tỉnh hoặc chưa giải ngân phải rà soát, làm rõ nguyên nhân và nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trước ngày 31/12/2023.
Kiên quyết điều chuyển vốn từ chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các chủ đầu tư, dự án có tiến độ giải ngân cao và có khả năng hấp thụ thêm vốn; không để xảy ra tình trạng các dự án chậm giải ngân vốn do nguyên nhân chủ quan như những năm trước đây.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh. Yêu cầu các cơ quan có thành viên là Tổ phó Tổ công tác (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng) khẩn trương tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác tổ chức các đợt kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2023.
Chỉ thị cũng nêu nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, như: UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các chủ đầu tư.
Phương Nhi - Pháp luật Plus