Giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang

04/08/2021 18:10

Kinhte&Xahoi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên đã quyết định giao Sở NN&PTNN và Sở Công thương, tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ngày 4/8, ông Trương Cảnh Tuyên, phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1467/UBND NCTH, về việc; Tổ chức phát động, đăng ký trong doanh nghiệp, Hợp tác xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hỗ trợ thu mua chôm chôm, dưa lê, nhãn,… giúp nông dân trong lúc tiêu thụ khó khăn.

Nhãn IDO trên địa bàn huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam; việc đi lại giao thương gặp nhiều khó khăn do đang trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cho nên, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân.

Theo thông tin, tỉnh Hậu Giang hiện tại có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn,…đang tới vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ, hiện tại các sản phẩm này tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A.

Theo thông tin từ Sở Công thương, hiện nay hàng tháng toàn tỉnh có 155.000 tấn sản phẩm nông thủy sản các loại (cây ăn trái, rau củ quả và thủy sản các loại), trong đó Cây ăn trái 102.000 tấn; thủy sản  hơn 20.000 tấn tấn cần phải tiêu thụ.

Qua đó, Sở Công thương cũng lên kết hoạch hỗ trợ, bằng nhiều hành động cụ thể; kết nối thương mại điện tử (Lazada, Voso, Shopee…), tiêu thụ qua những hệ thống chuỗi Bách hoá xanh, Co.op mart Miền tây, HCM, Siêu thị Go và Mega maket. Đồng thời tăng cường các điểm đặt cửa hàng OCOP. Ngoài ra còn phối hợp với Viettel Post đi chợ hộ, đã vận động các DN, HTX trong tỉnh liên kết với TP HCM thu mua mỗi ngày cho người dân.

Chanh không hạt đang trong kỳ thu hoạch nhưng thương lái thu mua không vận chuyển đi Tp.HCM do chi phí vận chuyển cao và phải xét nghiệm Covid-19 nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thuỷ, “trên địa bàn huyện hiện tại đang trong kỳ thu hoạch nông sản, nhưng thương lái thu mua không vận chuyển đi Tp.HCM do chi phí vận chuyển cao và phải xét nghiệm Covid-19 nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt cây ăn trái mỗi ngày thu hoạch khoảng 30,6 tấn, nhưng tiêu thụ chỉ hơn 2,5 tấn, tồn đọng 27,8 tấn”.

“Hiện nay 17,5 tấn nhãn IDO tại Vị Bình không có thương lái vào mua, bán lẻ tại địa phương được số lượng ít. Bên cạnh đó, Chanh không hạt hơn 5 tấn, Bưởi da xanh 5 tấn, Gạo sạch tại HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường tồn 200 tấn”. Ông Hiếu cho biết thêm.

Điểm tập kết hàng hóa ở các luồng xanh trên thủy và bộ của huyện Phụng Hiệp

Còn tại Phụng Hiệp, ông Lê Như Lê, phó Chủ tịch UBND huyện cho biết; “hiện tại thành lập được 28 điểm tập kết hàng hóa ở các luồng xanh trên thủy và bộ. Trong đó có các điểm nằm trên QL 61, QL1, Quản lộ Phụng hiệp, tỉnh lộ 928, tỉnh lộ 927… đồng thời hướng dẫn cho các xã, thị trấn tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ hàng hóa cam kết đi đúng tuyến, thực hiện đúng qui định của Bộ y tế về thực hiện 5k và có giấy xét nghiệm covid 19 âm tính”.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với Sở NN &PTNN, Sở Công thương, tổ công tác 970 của Bộ NN & PTNN, các Doanh nghiệp, Hợp tác xã và cá nhân tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân…

Ông Lê chia sẻ thêm, hiện tại huyện còn hơn 700 tấn cá thát lát đã đến thời điểm thu hoạch đang cần bán. Huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn vận động bà con đưa đến các điểm tập kết để tiêu thụ theo hợp đồng của các thương lái, mỗi ngày xuất đi từ 2 – 2,5 tấn, số còn lại tiếp chăm sóc tránh làm mất sản lượng nhưng không tốn phí nhiều. Kế hoạch đến ngày 20/8 sẽ thu hoạch dứt điểm lúa hè thu.

Với tinh thần “Đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh đã chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid 19 của tỉnh ngày 2/8, đề nghị 2 Sở NN & PTNN và Sở Công Thương có giải pháp để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ về tiêu thụ các sản phẩm và những khó khăn vướng mắc tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời.

 Trần Hữu Lễ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/giai-phap-ho-tro-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-hau-giang-d162481.html