Giám đốc CDC Hà Nội: Test nhanh Covid-19 là để sàng lọc, cần khẳng định lại bằng phương pháp Realtime RT-PCR
Kinhte&Xahoi
Thông tin về việc ngày đầu triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội phát hiện 3 mẫu dương tính nhưng sau đó xét nghiệm khẳng định lại âm tính được dư luận rất quan tâm. Vậy thực hư hiệu quả xét nghiệm nhanh ra sao?
Hà Nội triển khai xét nghiệm nhanh để sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố Hà Nội cho biết, loại test nhanh mà Hà Nội sử dụng tại 10 trạm xét nghiệm dã chiến (quận Đống Đa, Ba Đình, huyện Thanh Oai) kể từ ngày hôm qua (31-3) được nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Việc triển khai xét nghiệm nhanh kể trên là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ, những người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tế đi/đến/ở khu vực có ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đây là xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh, có kết quả chỉ trong 10 phút, vì thế sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán và triển khai nhanh chóng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là sớm khoanh vùng, khống chế, tránh mầm bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nêu rõ, test nhanh có 2 loại: 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể.
Kháng thể là chất cơ thể sinh ra để chống lại các tác nhân virus, nên khi có kháng thể thì cũng có nghĩa rằng cơ thể mình có thể đã xuất hiện virus xâm nhập. Khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa thể phát hiện được nhiễm bệnh.
Giám đốc CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, phương pháp test nhanh này chỉ có tính chất sàng lọc, còn đối với việc chẩn đoán người mắc bệnh Covid-19 thì phải được xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Chính vì vậy, các trường hợp nếu test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19) cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR.
“Khi test nhanh có kết quả âm tính, chúng tôi khuyến cáo: các trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh Covid-19 dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5-7 ngày sau sẽ tiến hành xét nghiệm lại.
Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên mà xét nghiệm âm tính thì về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm” – ông Cảm nói.
Cũng liên quan tới vấn đề xét nghiệm, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 chiều 1/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm: Hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm COVID-19. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).
Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc.
Test thử nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác).
Vì vậy, loại xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.
Đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.
Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.
TP Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan, từ đó có phương án ứng phó phù hợp.