Đóng góp từ điện, khí cho ngân sách Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến giảm hơn 430 tỷ đồng
Bà Rịa - Vũng Tàu là một điểm sáng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nơi tập trung nhiều dự án lớn phục vụ cho chuỗi năng lượng khí điện như Hệ thống đường ống dẫn khí Cửu Long, Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2; Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, Nhà mày xử lý Khí Nam Côn Sơn, Kho Cảng Thị Vải, Hệ thống kho lạnh chứa LPG và kho LNG Thị Vải, Trung tâm Phân phối Khí Phú Mỹ... Với hệ thống cơ sở vật chất này, hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động địa phương và là lao động trình độ cao đang tham gia vận hành, khai thác. Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa bàn có hoạt động Dầu khí đa dạng bao gồm các mỏ khai thác dầu khí ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam cũng như có nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dầu khí khác, trong đó các dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm cả dự án Kho cảng nhập LNG Thị Vải đang được đầu tư xây dựng.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn khi huy động khí điện giảm
Với cơ cấu chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khí tiêu thụ, điện đang là kênh tiêu thụ khí chính. Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất khai thác cơ sở vật chất ngành khí, gây lãng phí nguồn lực xã hội cũng như việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, các năm gần đây, việc huy động khí cho phát điện khu vực Đông Nam bộ liên tục giảm. Cụ thể, năm 2019 huy động 6,5 tỷ m3; Năm 2020 huy động 5,3 tỷ m3. Năm 2021 ước tính chỉ đạt 4,45 tỷ m3, bằng 86,8% kế hoạch huy động được Bộ Công thương phê duyệt. Năm 2022, dự báo việc huy động khí cho điện tiếp tục sụt giảm, dự kiến không cao hơn 2,8 tỷ m3. Điều này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, khi dầu khí là ngành đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.
Năm 2019, ước tính ngành khí đóng góp ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 2.300 tỷ đồng. Năm 2020, con số này là 3.100 tỷ đồng. Năm 2021, với tình hình huy động khí như hiện nay thì mức đóng góp ngân sách của ngành khí cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giảm đáng kể so với năm 2020 với mức giảm dự kiến cả năm hơn 430 tỷ đồng. Theo dự báo huy động khí cho năm 2022 thì đóng góp ngân sách của địa phương của ngành khí sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh, lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Tỉnh Cà Mau kiến nghị tăng huy động điện khí trên địa bàn
Tại Cà Mau, Khu liên hợp công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã và đang phát triển nhanh chóng, biến đổi toàn bộ “Bức tranh” công nghiệp tỉnh Cà Mau nói riêng và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực. Trong suốt 10 năm qua, với tổng doanh thu trên 245 nghìn tỷ đồng, Tổ hợp Khí - Điện - Đạm đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh Cà Mau hơn 16.500 tỷ đồng, là nguồn đóng góp chiếm tỷ trọng quan trọng giúp địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức thu ngân sách trong toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm ở địa phương.
Cà Mau chịu thiệt hại của huy động khi điện giảm, ngay trong thời gian nỗ lực phục hồi các ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Cà Mau cũng là địa bàn có hoạt động dầu khí đa dạng bao gồm các mỏ khai thác dầu khí ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đang vận hành và các dự án đang trong giai đoạn phát triển; các nhà đầu tư cũng đang xem xét để triển khai nhiều dự án dầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dầu khí khác, trong đó các dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Tương tự như miền Đông Nam bộ, thậm chí trầm trọng hơn, năm 2021 tình hình huy động khí ở khu vực Tây Nam bộ cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 1,008 tỷ m3 chỉ bằng 68,3% kế hoạch huy động được Bộ Công Thương phê duyệt. Việc này đã tác động lớn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, phục hồi kinh tế địa phương trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc chỉ đạo EVN tăng cường huy động sản lượng điện từ Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. Tỉnh Cà Mau cũng cho biết, 8 tháng đầu năm, khả năng cấp khí của nhà máy trên là 1,01 tỷ m3, tương đương với sản lượng điện sản xuất 4,95 tỷ kWh. Tuy nhiên, thực tế chỉ được huy động chưa tới 70%, tương đương 0,71 tỷ m3 khí tiêu thụ (3,49 tỷ kWh điện). Việc huy động thấp khiến Nhà máy dự kiến nộp ngân sách địa phương khoảng 152 tỷ đồng trong năm nay, tương đương 32% so với trung bình hàng năm. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau ước tính, việc huy động thấp đã ảnh hưởng tới chỉ tiêu tăng trưởng các ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm của tỉnh xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.
Không chỉ là tác động đến nguồn thu ngân sách
Trong tình hình huy động khí cho phát điện giảm sâu, tổng mức đóng góp ngân sách nhà nước năm 2021 của ngành khí có khả năng giảm đến 639 tỷ đồng. Năm 2022, dự báo mức đóng của ngành khí cho các địa phương sẽ sụt giảm lớn đến 1.566 tỷ đồng so với năm 2020 (giảm mạnh nhất lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thái Bình).
Khu chế xuất Khí - Điện - Đạm Cà Mau - một hình mẫu phát triển công nghiệp miền Tây Nam bộ
Tuy nhiên, không chỉ là tác động đến ngân sách các địa phương mà việc này còn gián tiếp ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình phát triển xã hội/cộng đồng tại địa phương, ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người lao động, các hoạt động doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương như bảo vệ an ninh và môi trường, hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục - y tế, mở rộng cơ sở hạ tầng xã hội để phát triển cộng đồng…
Theo trình tự thời gian, việc xây dựng, định hướng phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020, định hướng “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh phụ tải thấp hiện nay, các nhà máy điện khí lại không được ưu tiên huy động với lượng huy động rất thấp, thậm chí có nhà máy gần như không được huy động.
Hiện nay, EVN vẫn đang thực hiện giảm mạnh huy động khí cho phát điện, không đảm bảo theo kế hoạch đã được thống nhất và chỉ đạo cùa Bộ Công Thương. Cụ thể, huy động khí làm nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất điện từ khoảng 46% tổng sản lượng điện quốc gia (năm 2010), giảm dần còn 29% (năm 2015), 15% (năm 2020) và khoảng 11% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ kéo theo việc giảm lượng khí tiêu thụ, giảm khai thác khí ngoài các mỏ dầu khí ngoài khơi, giảm nguồn thu của Nhà nước trong hoạt động khai thác dầu khí thượng nguồn; đồng thời ảnh hưởng đến công tác đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và các đặc biệt tại vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm nói riêng. Đặc biệt, hiệu quả thấp của điện khí cũng sẽ tác động đến việc thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu LNG phục vụ phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG.
Trong khi đó, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới, trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, khí được xem là nguồn năng lượng của tương lai với giá cạnh tranh, khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực và ít phát thải khí nhà kính. Đây là những lợi ích, cũng là những tác động mà các địa phương trực tiếp hưởng thụ hoặc chịu ảnh hưởng đầu tiên của quá trình huy động khí cho phát điện trong hiện tại và cho phát triển năng lượng lâu dài.
Hải Anh - TTTĐ