Giảm thuế môi trường với xăng dầu 1.000 đồng/lít ít có ý nghĩa

05/03/2022 15:43

Kinhte&Xahoi Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 500-1.000 đồng/lít không có ý nghĩa gì trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, nên các mặt hàng này trong nước cũng sẽ tiếp tục leo thang.

Đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu 1.000 đồng/lít

 Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hiệp hội xăng dầu xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế BVMT từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn.

Cụ thể, giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Theo Bộ Tài chính, mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội bị nhiều tác động bởi dịch COVID-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng cao bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, đồng thời tình hình bất ổn chính trị thế giới đang tăng cao đã tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.

Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có xăng dầu (theo Tổng cục Thống kê thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế).

Giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao chưa từng có, tạo áp lực lạm phát

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính dự kiến, nếu thời gian giảm thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.

Đồng thời, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.

Liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc giảm thuế 1.000 đồng thì giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng là 1.110 đồng, đối với dầu diezen, mazut, dầu nhờn với mức giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ sẽ giảm 550 đồng/lít, đối với dầu hỏa, việc giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ sẽ giảm 550/lít, đối với mỡ nhờn việc giảm 500 đồng/kg mức giá bán lẻ sẽ giảm 550 đồng/1kg.

Về tính toán đến tác động CPI và lạm phát và tăng trưởng kinh tế, thì với giả thuyết là thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022, dự kiến là 0,67%. Tuy nhiên, ở đây việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Về tác động đến người dân và doanh nghiệp, chính sách góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi mà giá dầu thô tăng cao, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

"Đây chỉ mới là dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bộ Tài chính mong các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng, làm sao để chính xác và hiệu quả nhất", ông Chi nói.

Giảm như vậy không có nghĩa gì

 Đánh giá về đề xuất của Bộ Tài chính, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 500-1.000 đồng/lít không có ý nghĩa gì trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, nên các mặt hàng này trong nước cũng sẽ tiếp tục leo thang.

Theo phân tích của một chuyên gia, từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu Brent tăng gần 40% (từ 80-112 USD) khiến giá xăng dầu trong nước tăng rất mạnh từ đầu năm, lên mức cao chưa từng có.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu

Đáng nói, dự báo thế giới giá dầu Brent sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi bất ổn chính trị và kinh tế thế giới còn phức tạp, căng thẳng Nga - Ukraina còn leo thang.

Đặt giả thuyết nếu đến cuối năm, giá dầu Brent có thể tăng 150 USD, tương đương mức tăng 45% trong năm 2022 thì giá xăng trong nước cũng sẽ tăng trung bình khoảng 40% và có thể tác động CPI tăng 1,6%.

Như vậy, nếu giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính là 1.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol) thì việc giảm thuế này chỉ có thể kéo CPI giảm 0,15%. Do đó, sẽ khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà cũng cho rằng, việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính là "quá thấp, dường như chẳng có ý nghĩa gì".

Theo bà Tiến, giá xăng dầu đang ở mức cao kỷ lục, từ đầu năm đến nay đang tăng rất cao khiến mọi chi phí của công ty đều đội lên. "Chi phí vận tải, sản xuất đều tăng do tác động từ giá xăng dầu tăng lên quá cao khiến chúng tôi lao đao trong khi doanh thu thì bập bõm vì dịch bệnh", bà Tiến chia sẻ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/3, VCCI đã có văn bản gửi tới Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, góp ý cho dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

VCCI đánh giá đây là đề xuất tích cực nhưngcho rằng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần mạnh mẽ hơn, bởi giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế diễn ra căng thẳng tại Châu Âu và có xu hướng leo thang.

Theo VCCI, giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.

Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3 - 6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giam-thue-moi-truong-voi-xang-dau-1000-donglit-it-co-y-nghia-191177.html