Gian lận trong kinh doanh xăng dầu, Công ty Thương nghiệp Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng
Kinhte&Xahoi
Công ty Thương nghiệp Cà Mau bị phát hiện gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối và kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hiệu lực.
Một cửa hàng xăng dầu của Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau
Ngày 6/9, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (mã CK: CMV) đã công bố việc nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công thương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối. Đồng thời, công ty cũng bị phạt tiền 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.
Ngoài ra, để khắc phục hậu quả cho hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021 - 3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. Tuy vậy, công ty cũng có các tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã ngăn chặn làm giảm bớt hậu quả của vi phạm và tự nguyện khắc phục hậu quả.
Như vậy, tổng số tiền Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/2/2022, Bộ Công thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của đầu mối này với tổng số tiền xử phạt là 13,344 tỷ đồng.
Ngoài hình thức xử phạt tiền còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối trong thời gian 1 tháng gồm: Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro).
Hậu Lộc - TTTĐ