Góc khuất “mua trả góp”

18/12/2021 08:08

Kinhte&Xahoi Mua trả góp, vay từ ví trả trước, thẻ tín dụng… nói chung là hình thức “mua trước, trả sau” được đánh giá đang thành xu hướng mạnh mẽ khi thế hệ trẻ không thụ động chờ lương về mới mua sắm như trước. Thực tế này tốt hay xấu?

Theo bản đánh giá của một Cty nghiên cứu thị trường mới công bố, thanh toán “mua trước, trả sau” tại Việt Nam dự kiến tăng 71,5% mỗi năm và đạt 697,1 triệu USD vào năm 2021. Báo cáo cho rằng, tùy chọn “mua trước, trả sau” đang trở thành một cách mua sắm ngày càng phổ biến với người tiêu dùng tại Việt Nam. Sự phát triển của ngành chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ và đặc biệt là người mua sắm thế hệ Y và Z (nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1994 và từ 1995 đến năm 2010).

Theo con số do hai doanh nghiệp (DN) trong nhóm dẫn đầu thị phần cho vay trả góp ở Việt Nam ước tính, họ có khoảng 24 triệu khách hàng. Nhiều DN trong thời gian qua cũng đồng loạt nhảy vào lĩnh vực này.

Đứng ở khía cạnh tích cực, trào lưu “mua trước, trả sau” thúc đẩy sự phát triển của xã hội tiêu dùng. Một DN tham gia mảng kinh doanh này đã có những lời “có cánh”, khi cho rằng “thế hệ Y, thế hệ Z là những người làm chủ thị trường tiêu dùng ngày nay không thụ động chờ lương về để hạch toán các khoản chi tiêu trong kỳ. Nhu cầu mua sắm, thanh toán các hóa đơn đến hạn... luôn thúc giục họ có những giải pháp tài chính sáng tạo hơn. Ở chiều ngược lại, sản phẩm không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng mà còn góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ, dịch vụ, đây cũng là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục”.

Những người mê mua trả góp còn được dịp “hổ chắp thêm cánh” khi xã hội bùng nổ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến. Với việc chọn mua một sản phẩm, người dùng có thể trả góp, hay “cà” thẻ tín dụng trả sau.

Thế nhưng, cũng vừa một sự kiện mới xảy ra chứng minh góc khuất của tâm lý mê “xài trước, trả sau”. Rạng sáng 15/12 vừa qua, gần 500 cán bộ, chiến sỹ công an tham gia chuyên án khám xét đồng loạt 51 văn phòng đại diện của một Cty tài chính ở 28 tỉnh, thành, phát hiện đây thực ra là đường dây “tín dụng đen”, chỉ thời gian ngắn đã cho hơn 10 ngàn “tín đồ trả góp” vay hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất lên tới 200%/năm. Chỉ với một đường dây này, đã có bao nhiêu người mê tiêu dùng phải “tan cửa nát nhà”?

Một thực tế khác cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, khi một số hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm ngưng, dòng tiền đứt gãy, biết bao người vì mua trả góp, vay trả góp mà phải khốn đốn xoay tiền trả nợ. Những lúc này mới thấy không ít trai xinh, gái đẹp điện thoại đắt tiền, xe bóng bẩy đều là đồ vay mua, trả góp, chứ thực ra một xu dính túi không có. Những hệ lụy “lột đồ vay tiền”, lừa lọc nhau, thậm chí phạm pháp để có tiền trả nợ… cùng bắt nguồn từ đây mà ra.

Mua trả góp thực ra không xấu, nhưng cũng không hoàn toàn tốt. Thế nên cần biết rõ mặt trái, mặt phải của phương thức này; để chính quyền có biện pháp quản lý chặt chẽ, để bản thân mỗi người tiêu dùng tự điều chỉnh tiết chế nhu cầu không cần thiết. Và các phương tiện truyền thông cũng đừng “đánh bóng, bơm thổi” quá mức, đừng “nhồi sọ” quan niệm lệch lạc vào những người cả tin.

 Minh Khang - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/goc-khuat-mua-tra-gop-d173048.html