Grab cố tình giải thích sai cho tài xế khi khẳng định Nghị định 126/2020 là nguyên nhân khiến giá cước và phần trăm khấu trừ tăng. (Ảnh: Hòa Thắng).
Hôm nay (12/12), nguồn tin của Kinh tế & Đô thị cho biết, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Việt Nam về việc phát ngôn báo chí liên quan đến việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá sau khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực.
Grab phải thận trọng khi phát ngôn
Trong văn bản gửi đi, Tổng cục Thuế cho biết, trước những thông tin liên quan đến việc Grab điều chỉnh giá cước và phần trăm chiết khấu của tài xế sau khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Grab để làm rõ những vấn đề liên quan.
Tại buổi làm việc diễn ra ngày 9/12, dưới sự chứng kiến của đại diện Vụ Vận tải, thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng cục Thuế đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá cước và tăng chiết khấu. Tuy nhiên, phần giải trình của DN này chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và mức khấu trừ thuế đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126/2020.
Tổng cục Thuế cho biết trong buổi làm việc với Grab, quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126/2020 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân. Trong đó, có đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân.
Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126/2020 không phải là quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT). Do đó, chính sách thuế VAT với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay.
Tuy nhiên, ngay sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Grab đã phát đi thông cáo cũng như đưa ra lời giải thích với các tài xế và công luận rằng về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động Nghị định 126/2020. Cụ thể, trên một số phương tiện truyền thông xuất hiện ý của của Grab về việc công ty tăng giá cước và tăng khấu trừ thuế đối với lái xe từ hoạt động kinh doanh là do tác động của Nghị định 126/2020. Những phát ngôn này đã tạo ra dư luận và cách hiểu không đúng về pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế.
Do vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab thận trọng phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá. Đồng thời, Grab cũng cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.
Bộ GTVT khẳng định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải. (Ảnh: Lê Thanh).
Grab là đơn vị kinh doanh vận tải
Đặc biệt, Tổng cục Thuế khẳng định, trong buổi làm việc giữa cơ quan này và Công ty TNHH Grab diễn ra vào ngày 9/12, đại diện Bộ GTVT đã chứng kiến và phát biểu về quan điểm của mình.
Theo đó, đại diện Bộ GTVT khẳng định "Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải". Đồng thời, Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Grab quyết định về giá cước, lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe".
Trước đó, trong buổi đối thoại với tài xế Grab diễn ra vào ngày 10/12, lãnh đạo Công ty TNHH Grab đã nhiều lần khẳng định Nghị định 126/2020 chính là nguyên nhân khiến họ phải tăng giá cước và tăng phần trăm chiết khấu của tài xế.
Lãnh đạo Grab còn nói thẳng rằng, Nghị định 126/2020 đang còn một số vấn đề chưa phù hợp, bất cập ảnh hưởng tới thu nhập của tài xế. Hiện tại, văn bản pháp lý này đang áp cách thực hiện từ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang mô hình Grab.
Thậm chí, lãnh đạo Grab còn cho rằng cơ quan thuế và các cơ quan liên quan đã “bơ” ý kiến của DN này bởi từ ngày đầu tiên Nghị định 126/2020 được soạn thảo, tháng 5/2020, Grab đã gửi góp ý cho dự thảo đến Tổng cục Thuế và Văn phòng Chính phủ, đề nghị những phương án phù hợp hơn với mô hình kinh doanh nhưng Grab cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bảng minh họa của Gojek về thay đổi cước phí để bù thuế VAT.
Gojek “nối gót” Grab tăng giá cước và chiết khấu
Từ hôm nay (12/12), Gojek bắt đầu tăng cước dịch vụ xe ôm công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, tại Hà Nội cước phí 2km đầu tiên dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Giá cước sẽ tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng cho mỗi km (sau 2km đầu tiên). Các mức tăng này tương đương với tỷ lệ hơn 8,3 - 10%.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, cước 2km của GoRide tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2km đầu tiên) tăng giá từ 3.600 lên 4.000 đồng mỗi km.
Ngoài ra, giá cước dịch vụ giao hàng GoSend và giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều được tăng như nhau. Với GoSend, giá cước từ 4.000 đồng cũng tăng lên 5.000 đồng mỗi km (sau 2km đầu tiên). Còn dịch vụ GoFood, tăng từ 14.000 đồng cho 5km đầu tiên lên thành 15.000 đồng cho 3km đầu tiên. Giá mỗi km sau đó tăng từ 4.000 lên 5.000 đồng.
Đối với tỉ lệ khấu trừ dành cho tài xế trên toàn bộ doanh thu từ chuyến xe, Gojek cho biết sẽ điều chỉnh tương ứng. Theo minh họa của Gojek thì sau khi tăng giá, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế là hơn 27,2%, tức là tương đương với mức mà Grab đang áp dụng.
Đại diện Gojek cho biết sẽ thường xuyên rà soát lại cơ cấu tính cước và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo giá cước mang tính cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam.
Chiều 11/12, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ mặc đồng phục của hãng Be đã tập trung tại trụ sở và tại Đài truyền hình Việt Nam trên đường Nguyễn Chí Thanh. Dù ngay sau đó đại diện Be Group đã giải thích rằng đây không phải là cuộc đình công của tài xế mà do họ hiểu nhầm về chương trình khuyến mại do hãng vừa áp dụng.
Qúy Nguyễn - Theo KTĐT