Hà Giang: Đàn trâu dự án chết vì bị bệnh lở mồm long móng hay thiếu chăm nom?
Kinhte&Xahoi
Mới đây, đàn trâu dự án được Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ người nghèo đã có một số con ốm và chết.
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đã có báo cáo gửi lãnh đạo huyện và các nghành chức năng về tình hình trên địa bàn xã Tân Lập diễn ra việc một số con trâu có dấu hiệu dịch bệnh.
Cụ thể, xã Tân Lập được Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang triển khai dự án hỗ trợ gia súc, gia cầm cho đồng bào dân tộc ít người Pà Thẻn theo quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tương Chính phủ và kế hoạch số 292/BDT-KHTH ngày 21/8/2019 của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang.
Bà Sìn Thị Hà, thôn Minh Thượng, xã Tân Lập cho rằng trâu của gia đình bà mua đợt một với giá 15 triệu nay đã khỏe và được thả rông.
Cụ thể, kế hoạch thực hiện hỗ trợ là 98 con trâu cho 2 thôn Minh Thượng và Minh Hạ, đối tượng là các hộ nghèo và cận nghèo trong thôn.
Trong đó, đợt một có 63 con do Ban Dân tộc tỉnh tự mua và giao cho các hộ gia đình tại thôn Minh Thượng từ ngày 5/10/2019, trâu từ 8-13 tháng tuổi.
Ngày 10/10/2019, nhân dân trên địa bàn thôn Minh Thượng phát hiện trong số trâu được hỗ trợ tại thôn này đó có đến 12 con bị ốm.
Sau thời gian điều trị, có 3 con đã chết, biểu hiện loét miệng, đau vành móng chân, chân yếu ở khớp gối không đi lại được hoặc đi lại khó khăn.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp kiểm tra, kết quả chẩn đoán là trâu chủ yếu mắc bệnh lở mồm long móng.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Tiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, thực tế Ban chỉ cho người xuống phối hợp với huyện, xã xuống họp thôn, bà con đăng ký mua trâu hoặc bò.
Mỗi hộ được hỗ trợ với số tiền là 15 triệu đồng, muốn mua trâu to hơn thì tự bỏ thêm tiền, rồi có văn bản thông báo với Ban Dân tộc, sau đó Ban mới sang kho bạc rút tiền và chi trả cho các hộ dân.
Ông Tiến cho rằng, báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang có điểm chưa chính xác vì Ban không mua trâu giao cho người dân mà chỉ giao tiền, việc này Ban sẽ kiểm tra lại. Hiện tại dự án được thực hiện được hơn 1/2 so với kế hoạch.
Anh Ván Xuân Đường, thôn Minh Thượng khoe con trâu 17 triệu của mình tự mua theo dự án hỗ trợ đợt 2 tại xã.
Theo lãnh đạo xã Tân Lập, đợt hai Ban Dân tộc hỗ trợ 35 con trâu thì nhân dân thôn Minh Hạ đã đứng ra tự mua, không mua hàng loạt như đợt một.
Ông Hoàng Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, số trâu bị chết đến hiện tại tổng cộng là 6 con. Tuy nhiên, nhà cung ứng đã trả lại 100% số tiền đã mua 2 con trâu mà sau đó chết cho 2 hộ gia đình do trong thời gian bảo hành (tức người dân và nhà cung ứng thỏa thuận bảo hành con trâu khỏe mạnh trong thời gian 10 ngày, nếu chết sẽ hoàn trả tiền).
Còn số trâu chết sau 10 ngày nhà cung ứng không chịu trách nhiệm.
Tình hình dịch bệnh đến thời điểm hiện tại cơ bản đã được xã và huyện khống chế, không có thêm con trâu nào khác bị bệnh.
Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến việc 12 con trâu bị ốm là do tập quán của người dân thường thả rông. Trong khi trâu được mua từ nơi khác về đáng nhẽ cần chăm nom tốt để trâu giống thích nghi với khí hậu địa phương đã.
Ông Hùng cũng cho hay: “Việc Ban Dân tộc có người đứng ra giới thiệu đầu mối là có, nhưng vẫn họp dân tại hội trường thôn.
Dân biểu quyết đồng ý mua một đầu mối và cử Trưởng thôn xuống Hà Nội để xem thực tế con trâu sẽ mua cho dân, rồi bắt đầu vận chuyển trâu lên giao cho người dân. Các hộ sẽ bốc thăm lấy trâu theo số thứ tự chứ không được tùy ý chọn, tránh tranh giành”.
Chính quyền xã Tân Lập cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn cần hạn chế chăn thả giông gia súc, gia cầm trong thời tiết mùa Đông giá lạnh.