Hà Nội: Các quận, huyện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 xong trước ngày 31/12/2023
Kinhte&Xahoi
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng tính chủ động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao, phấn đấu bàn giao đúng tiến độ “pháp lệnh” là 70% mặt bằng trên địa bàn của từng quận, huyện trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn từng quận, huyện trước ngày 31/12/2023.
Ngày 11/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì hội nghị trao đổi kinh nghiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Quang cảnh hội nghị
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội dài khoảng 59,2km đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 766,3ha. Tổng số hộ bị thu hồi đất khoảng 16.932 hộ. Số ngôi mộ phải di chuyển khoảng 14.654 và nhu cầu tái định cư (dự kiến) khoảng 1.113 hộ.
Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 7 quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đối với các quận, huyện, trong đó đã cập nhật đầy đủ Dự án tuyến đường Vành đai 4, dự án tái định cư, di chuyển mộ phục vụ GPMB đường Vành đai 4; tổ chức cắm mốc giới và bàn giao mốc giới 3 đoạn cho 6 quận, huyện (Hoài Đức, Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Thường Tín). UBND các quận, huyện đều đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tổ công tác GPMB thực hiện dự án; Ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại hội nghị
Báo cáo của đại diện các sở, ngành và một số quận, huyện tại hội nghị tập trung nêu các khó khăn, vướng mắc chính trong thực tiễn triển khai như việc hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do hợp tác xã quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) các hộ dân đã xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định; Đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được hỗ trợ công nhận là đất ở; Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề.
Ngoài ra, các nội dung như chính sách hỗ trợ di chuyển mộ; bố trí “tái định cư” cho các phần mộ; Bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng; thu hồi đối với trường hợp không đủ điều kiện xây dựng nhà ở… cũng đang gây khó khăn không chỉ đối với Hà Nội mà còn cả các đơn vị tại Hưng Yên, Bắc Ninh trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh đến vai trò then chốt, cốt lõi của dự án thành phần 1.1 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác GPMB triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Do đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tăng tính chủ động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao, phấn đấu bàn giao đúng tiến độ “pháp lệnh” là 70% mặt bằng trên địa bàn của từng quận, huyện trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn từng quận, huyện trước ngày 31/12/2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, qua các báo cáo tại hội nghị đối với cả 3 tỉnh, thành phố có thể thấy “điểm nghẽn” hiện nay chính là dự án thành phần 1.1 (đối với Hà Nội); Dự án 1.2 (với Hưng Yên) và 1.3 (Thái Bình) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác GPMB đều chưa được phê duyệt. UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến về quy trình. Tuy nhiên, học tập thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, 3 tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô cần chủ động bứt phá và phấn đấu chậm nhất đầu tháng 12/2023 phải duyệt được dự án thành phần 1.
Về nội hàm dự án thành phần 1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thống nhất quan điểm: Dự án thành phần 1 là nhóm dự án, được chia thành 3 dự án thành phần (1.1, 1.2 và 1.3). Chính vì vậy không có khái niệm “tiểu dự án” tiếp theo của dự án thành phần trên mà chỉ là hạng mục của dự án, gồm có tái định cư thổ cư, tái định cư mồ mả, tái định cư hạ tầng kỹ thuật và tái định cư công trình khác.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cũng bày tỏ mong muốn dự án thành phần 1 sớm được phê duyệt, là cơ sở để triển khai khối lượng lớn các nội dung công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác GPMB.
Ông Phượng cho biết, về di chuyển mồ mả, quan điểm của tỉnh là di chuyển vào khu nghĩa trang hiện hữu và mở rộng nghĩa trang hiện hữu bởi nếu đầu tư công một nghĩa trang mới sẽ mất nhiều thời gian và thực hiện không cẩn thận sẽ thành trục lợi chính sách.
Cũng tại hội nghị, đại diện huyện Văn Giang (Hưng Yên) nêu một trong những vấn đề khó khăn nhất vẫn là công tác GPMB, đặc biệt khi thu hồi đất gặp vướng mắc, tồn tại do yếu tố lịch sử… Do đó, huyện kiến nghị lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ cần thống nhất chung về cơ chế đặc thù để có “cẩm nang” về GPMB, hướng dẫn các địa phương triển khai dự án.
Phát biểu kết luận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực hiện của Hà Nội thời gian qua như ban hành cơ chế chính sách để cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy chính quyền các địa phương cùng vào cuộc. Gần đây nhất, ngày 20/10, UBND thành phố đã ban hành quyết định bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trong đó đã cởi gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn được nêu tại hội nghị hôm nay. Đặc biệt, Hà Nội chủ động thực hiện các hỗ trợ khác với các trường hợp không đủ điều kiện để bồi thường như được cấp đất trái thẩm quyền, không có giấy tờ, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Diệu Linh - TTTĐ