Hà Nội: Cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe của người dân khi mưa dông kéo dài

08/09/2022 14:44

Kinhte&Xahoi Theo dự báo thời tiết, miền Bắc trong đó có Hà Nội sẽ đón đợt mưa lớn, có nơi trên 300mm/đợt. Mưa dông kéo dài không chỉ gây ngập úng, ách tắc giao thông, mất an toàn hệ thống lưới điện mà còn ảnh hưởng bất lợi tới sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão

 Mùa mưa bão đi kèm với những trận mưa dông, sấm chớp rất dễ gây ra tình trạng rò, chập điện khi tường bị ẩm, ngập do mưa bão, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Xác định đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa bảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các đơn vị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đã chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ Hà Nội.

Người dân chú ý không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt

Bên cạnh những giải pháp mà EVNHANOI đã và đang thực hiện thì đơn vị cũng đưa ra nhiều khuyến cáo đến tận các khách hàng về việc sử dụng điện an toàn.

Trước diễn biến thời tiết có thể mưa lớn kéo dài đến ngày 11/9, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, vì vậy để sử dụng các thiết bị điện trong nhà an toàn, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây, trạm điện.

Cùng với đó, khách hàng đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: Cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện, đồng thời, cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt.

Người dân chú ý không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.

Đối với nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không xâm phạm: Đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.

Trong trường hợp có người bị điện hạ áp giật, phải nhanh chóng cắt cầu dao, cầu chì, Automat gần nhất và hô to để mọi người đến trợ giúp.

Trường hợp chưa cắt được điện thì người dân cần dùng sào tre hay gỗ khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân.

Theo khuyến cáo, người dân nên đứng trên bàn (bằng gỗ) túm quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện hoặc dùng dao búa có cán gỗ khô, chặt đứt dây điện; Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện; Tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất.

Đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường

 Tình hình thời tiết cực đoan, mưa dông kéo dài sẽ gây ra ngập nặng cho thành phố, không chỉ khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn, nhiều tài sản bị nhấn chìm dưới nước, hư hại mà còn gia tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng.

Hiện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng, rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau mùa mưa, lũ theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Mưa dông kéo dài dễ gây ra ngập nước tại các tuyến phố của Hà Nội

Ngoài ra, các địa phương rà soát, bố trí và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường như phèn chua, Cloramin B, máy phun…; Tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ lụt, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Sau khi các đợt mưa lũ lụt đi qua, cộng đồng dân cư thường phải đối mặt với một loạt các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn từ nước lũ và từ những vấn đề vệ sinh môi trường.

Nước lũ thường bị ô nhiễm bởi nước thải và hóa chất và có thể chứa đựng các vật dễ gây thương tích như thủy tinh, kim loại... Nước ô nhiễm có thể gây ra các bệnh ngoài da khi cơ thể bị ngâm trong nước lụt thời gian dài.

Ô nhiễm từ nước lũ và nấm mốc phát triển nhanh chóng trong môi trường ẩm ướt có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn hoặc gây dị ứng đường hô hấp. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng trước diễn biến thời tiết mưa dông kéo dài.

Do đó, các quận, huyện, thị xã cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho ăn uống, sinh hoạt, thực hiện ăn chín, uống sôi.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường tại các điểm nguy cơ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các cơ sở cấp nước tập trung, đơn vị có bể chứa nước chung (nhà chung cư, trạm bơm tăng áp, trường học…).

Bên cạnh đó, các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn và người dân thực hiện biện pháp xử lý môi trường tại những khu vực bị ngập sau khi nước rút; Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các trạm y tế trên địa bàn theo quy định.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-nguy-co-anh-huong-sinh-hoat-suc-khoe-cua-nguoi-dan-khi-mua-dong-keo-dai-205231.html