Nông sản thực phẩm được tiêu thụ thông qua nhiều kênh kết nối giao thương do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức. Ảnh: Tùng Nguyễn
Nhiều đơn vị cùng vào cuộc
Từ đầu năm 2021 đến nay, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản an toàn là nhiệm vụ trọng tâm được ngành NN&PTNT Hà Nội chú trọng triển khai. Đơn vị đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức Diễn đàn “Vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”. Cùng với Hội Nông dân TP tổ chức Diễn đàn “Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông lâm sản và thủy sản theo chuỗi”.
Chuỗi hội thảo tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị cũng đã được tổ chức tại một số huyện. Các cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu kết nối, tiêu thụ nông lâm sản và thủy sản từ các tỉnh, TP vào các kênh phân phối như Central Group, MM Mega Market, Vinmart, BRG... Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 130 tấn gà đồi từ Hải Dương, 56.000 tấn xoài và 98.000 tấn nhãn của Sơn La, trên 12.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Giang...
Hiện, ngành NN&PTNT đang bắt tay với Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều từ Hải Dương và Bắc Giang trong niên vụ 2021. Đồng thời, thường xuyên giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các địa phương phối hợp kết nối tiêu thụ.
Giám sát chặt nguồn gốc nông sản
Cùng với đẩy mạnh các phương thức thông tin, tuyên truyền, tiêu thụ, việc giám sát nguồn gốc và chất lượng nông sản được ngành NN&PTNT đặc biệt chú trọng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP Hà Nội với tên miền check.hanoi.gov.vn được đưa vào vận hành hiệu quả nhiều năm qua.
Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia duy trì quản lý cho hơn 3.000 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản. Đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin với hơn 10.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí an toàn thực phẩm. Hiện, hệ thống đang được mở rộng đối với các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng canh tác cây trồng chủ lực…
Để tăng cường hiệu quả tiêu thụ nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết tiến tới sẽ phối hợp cùng Sở Công Thương rà soát, dự báo, thống kê vùng sản xuất đến các thời điểm thu hoạch. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và khó khăn trong công tác tiêu thụ, các bên sẽ xây dựng phương án hỗ trợ kết nối, bảo đảm nông sản thực phẩm của bà con không bị ứ đọng.
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết thêm, vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã làm việc với UBND TP để xúc tiến chương trình kết nối chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình được cụ thể hóa sẽ là tiền đề để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa cho bà con nông dân. Đặc biệt là bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hàng chục triệu cư dân lưu trú trên địa bàn Thủ đô.
Tùng Nguyễn - Theo KTĐT