Hà Nội: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, quận Cầu Giấy có 7/8 phường ở cấp độ 3

07/01/2022 16:07

Kinhte&Xahoi Sáng 7/1, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Tình hình dịch vẫn được kiểm soát

 Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương: Đến 18 giờ ngày 6/1/2022, Hà Nội đã ghi nhận 63.148 ca mắc (tại Hà Nội 62.946 trường hợp, 202 trường hợp nhập cảnh), 211 trường hợp tử vong (0,33%).

Trong kỳ báo cáo, trung bình ghi nhận 2.230 ca/ ngày, tăng nhiều so với kỳ báo trước (trung bình 1.747 ca/ngày) và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tiếp theo.

Toàn thành phố đã tiêm được 12.941.275 mũi; Tổng số mũi bổ sung đã tiêm 198.953 mũi; Tổng số mũi nhắc lại 807.032 mũi. Trong đó, tiêm cho người >18 tuổi là 5.382.193 mũi 1 và 5.239.138 mũi 2; Tiêm cho người >50 tuổi là 1.883.806 mũi 1 và 1.837.415 mũi 2.

Hiện TP đang điều trị cho 38.038 người. Trong đó, tầng 1 là 35.655 người; Tầng 2 là 1.655 người; Tầng 3 là 390 người.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đã nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay của TP Hà Nội, đó là tiêm đủ vắc xin, chuẩn bị đủ thuốc và quản lý chặt chẽ bệnh nhân, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng. Trong đó, đề nghị các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, thống kê chặt chẽ, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin để khi có vắc xin về thì tiến hành tiêm ngay.

Báo cáo tại hội nghị, các quận, huyện, thị xã đã báo cáo công tác phòng, chống dịch tại địa phương, trong đó tập trung vào công tác rà soát và tiêm cho người >65 tuổi; Mua sắm trang thiết bị y tế; Công tác tổ chức điều hành, phối hợp trong quản lý F0 tại nhà...

Đáng lưu ý, tại các quận, huyện Gia Lâm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, tình hình dịch trên đại bàn diễn biến khá phức tạp, số ca mắc đang tăng cao. Trong đó, quận Cầu Giấy, riêng từ qua tới nay đã tăng 209 ca mắc, hiện toàn quận đang ở cấp độ 3 và có 7/8 phường ở mức độ 3.

Cũng theo báo cáo của các địa phương, mặc dù tỷ lệ F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ lớn, nhưng công tác quản lý vẫn đang được triển khai tích cực. Các địa phương cũng khẳng định đang khẩn trương triển khai tiêm vắc xin tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn Thanh niên tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ô xy cho công tác điều trị. Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường quản lý, hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội bảo đảm đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp cận nhanh, kịp thời hỗ trợ F0 tại nhà

 Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhắc lại, những ngày gần đây, số ca F0 của TP ghi nhận ngày càng tăng, trong đó số ca trong cộng đồng chiếm khoảng 30%. Bên cạnh đó, tốc độ lây lan của chủng Omicron rất nhanh, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Với sự chủ động vào cuộc tích cực của địa phương và nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nên cơ bản đến nay, TP vẫn kiểm soát được dịch bệnh để các hoạt động diễn ra bình thường.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng, từng người dân...

Các địa phương cần duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A-B...

“Năng lực quản lý, điều hành, điều phối nếu không làm tốt sẽ gây rối, chậm tiến độ, gây bức xúc trong Nhân dân, vì vậy ,các địa phương cần rà soát, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ một cách thông suốt”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và cho rằng cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt nhiệm vụ trên.

Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục nâng cao hệ thống y tế cơ sở, chủ động phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bệnh việc các bộ ngành theo phân tuyến của thành phố...

Hoan nghênh Sở Y tế đã hướng dẫn cụ thể cho F0 điều trị tại nhà, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1, hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên, điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường hỗ trợ người dân, nhất là các ca nhiễm COVID-19, không để người dân không được quan tâm kịp thời, không có thông tin. Các thông tin cho người dân phải hết sức cụ thể dễ tiếp cận, tránh để người dân hoang mang.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ. Làm tốt được biện pháp này sẽ hạn chế người mắc và chuyển nặng, vì hầu hết người tử vong là chưa tiêm vắc xin hoặc có bệnh lý nền.

Công an TP, các tổ COVID cộng động quản lý chặt chẽ di biến động dân cư, người nhập cảnh để đề phòng chủng mới Omicron xâm nhập. Các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; Triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, không để ai bị thiếu đói, bảo đảm nhà nhà, người người đều có Tết.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-dich-covid-19-van-dien-bien-phuc-tap-quan-cau-giay-co-78-phuong-o-cap-do-3-187492.html