Hà Nội: Hiệu quả từ việc tổ chức lại giao thông tại các nút giao

18/09/2022 11:33

Kinhte&Xahoi Theo các chuyên gia giao thông, thành phố Hà Nội đang thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao trọng điểm, bước đầu cho hiệu quả rất tích cực, ùn tắc giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, thực tế lưu thông tại các nút cũng cho thấy hai vấn đề lớn là: Ý thức của nhiều người dân còn kém và công tác tổ chức giao thông chưa được chú trọng đúng mức

Hiệu quả rõ rệt

 Từ giữa tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao, tuyến đường gồm: Ngã Tư Sở; Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu; Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân; Nguyễn Thị Thập. Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực này đã giảm rõ rệt, việc phân luồng giao thông giúp phương tiện đi lại dễ dàng hơn, hạn chế tối đa xung đột.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tình hình giao thông tại khu vực nút Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện đáng kể. Thời gian chờ đèn tín hiệu để qua nút đã giảm một nửa. Các phương tiện trên tuyến đường: Trường Chinh - Láng; Nguyễn Trãi - Tây Sơn lưu thông tốt. Các điểm quay đầu trên đường Trường Chinh (gần Bệnh viện Phòng không không quân) và đường Láng (gần cây xăng Ngã Tư Sở) đáp ứng được nhu cầu di chuyển.

Từ giữa tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao, tuyến đường

Tương tự, khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, đường Nguyễn Thị Thập đã được cải thiện đáng kể.

Chị Vũ Hà Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: “Giao thông trên đường Trần Duy Hưng, nhất là hướng từ hầm chui Trung Hòa vào trung tâm thành phố đã không còn ùn tắc. Khu vực đầu cầu vượt Nguyễn Chánh cũng vậy. Tổ chức giao thông như thế này là hợp lý, thao tác đơn giản nhưng xóa cùng lúc 2, 3 điểm xung đột, ùn tắc giao thông cố hữu”.

Đối với nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, tình hình giao thông đã được cải thiện rất nhiều, cả trên đường Tố Hữu lẫn các tuyến xương cá xung quanh như Vũ Trọng Khánh, Trung Văn…

Tình hình giao thông tại khu vực nút Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện đáng kể

Phân tích về tình trạng giao thông tại các khu vực nút giao thực hiện phân luồng, tổ chức lại giao thông, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ, qua thời gian thí điểm phân luồng tại một số nút giao cho thấy Hà Nội đang tồn tại hai vấn đề lớn. Thứ nhất, ý thức của một bộ phận người dân cực kỳ kém, cố tình phạm luật, gây rối loạn giao thông. Nếu tiếp tục diễn tiến như vậy thì không một mạng lưới hạ tầng hay biện pháp tổ chức giao thông nào đáp ứng được, ùn tắc giao thông sẽ luôn trầm trọng.

Vấn đề thứ hai là công tác tổ chức giao thông chưa được chú trọng đúng mức. Trong bối cảnh hạ tầng chậm phát triển, lượng phương tiện cá nhân lại gia tăng từng ngày như hiện nay, công tác phân luồng, điều tiết khoa học, hợp lý sẽ giảm thiểu áp lực, thổi luồng sinh khí mới cho giao thông Hà Nội.

Tiếp tục tổ chức giao thông trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

 Sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ những mô hình phân luồng, tổ chức lại giao thông trước đó, mới đây UBND quận Hai Bà Trưng đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thiện bổ sung tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung biển báo hiệu giao thông trên địa bàn quận.

Theo đó, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, làm cơ sở kiểm tra xử lý các vi phạm theo quy định, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát của các đơn vị chức năng của quận và ý kiến đề nghị của UBND các phường, UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo chủ đầu tư dự án đường Vành đai II hoàn thiện bổ sung tổ chức giao thông đoạn đi qua địa bàn quận Hai Bà Trưng nhằm giảm thiểu hạn chế va chạm, tai nạn giao thông.

UBND quận Hai Bà Trưng đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thiện bổ sung tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung biển báo hiệu giao thông trên địa bàn quận. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, quận đề nghị lắp đặt biển cấm dừng đỗ xe ô tô trên tuyến phố; Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông lối quay đầu xe tại vị trí đối diện hai bên đường ngõ Hòa Bình 7 và ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai (tại hai vị trí này, mật độ người tham gia giao thông rất đông, khoảng cách lại gần nhau).

Quận cũng đề nghị kẻ vẽ gờ giảm tốc những điểm quay xe để hạn chế tốc độ; Kẻ vẽ giải phân cách cho người đi bộ; Bổ sung biển được phép rẽ phải tại nút giao vào ngõ 460 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy; Xén hè phải mở rộng lòng đường góc nút giao Kim Ngưu - Mai Động hướng Kim Ngưu đi rẽ phải Minh Khai (góc trước tòa nhà Việt Hàn số 203 Mình Khai).

Cùng đó, UBND quận đề xuất Sở tổ chức khảo sát, lắp đặt bổ sung biển báo hiệu giao thông trên một số tuyến phố thuộc địa bàn quận: Biển báo cấm đỗ xe ô tô trên các tuyến phố Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa); Biển báo cấm xe ô tô từ đường Đại Cồ Việt rẽ vào phố Chùa Vua; Biển báo cấm xe tải tại đầu ngõ 88 phố Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn.

Quận Hai Bà Trưng cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao cho phù hợp thực tế giao thông

Đồng thời, quận đề nghị xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao cho phù hợp thực tế giao thông, gồm: Nghiên cứu điều chỉnh vạch dừng xe trên đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài (nút giao Nguyễn Đình Chiểu - Đại Cồ Việt) để dành phần đường cho phương tiện trên đường Đại Cồ Việt rẽ phải.

Xem xét nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương theo hướng không cho các phương tiện ô tô từ đường Quang Trung được phép rẽ trái vào đường Hồ Xuân Hương và từ đường Hồ Xuân Hương rẽ trái ra đường Quang Trung; Điều chỉnh thời gian 2 đèn xanh gần nhau tại nút giao Đại Cồ Việt - Bạch Mai (hiện 2 cột đèn này khoảng cách rất gần nhau nhưng lại có nhịp đèn xanh chênh nhau tới 15 giây, gây ùn ứ phương tiện giao thông tại đường Đại Cồ Việt).

Việc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông tại các nút giao vốn được coi là "điểm nóng" ùn tắc giao thông nói trên để theo dõi, đánh giá nhằm tìm ra phương án tổ chức giao thông phù hợp. Sau giai đoạn đầu thí điểm, kết quả cho thấy, ùn tắc tại các khu vực này đã giảm đáng kể, giao thông trở nên thông thoáng hơn.

Sở Giao thông Vận tải giao Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông, giải quyết các vi phạm trên các tuyến đường xung quanh khu vực.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hieu-qua-tu-viec-to-chuc-lai-giao-thong-tai-cac-nut-giao-205999.html