Hà Nội: Học sinh lớp 1, 2 ở nơi khó khăn không phải làm bài kiểm tra trực tuyến cuối năm

07/08/2021 18:38

Kinhte&Xahoi Trước thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép học sinh lớp 1 và lớp 2 không bắt buộc phải làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học học kỳ II năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn nhanh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến về nội dung này.

Phó Gám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến. 

- Xin ông cho biết cụ thể về chỉ đạo mới của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với việc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 của học sinh lớp 1 và lớp 2 trên địa bàn thành phố? 

- Ngày 6-8, sau khi có ý kiến phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có ngay công văn gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trực thuộc về việc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021. Theo đó, đối với các trường tiểu học chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ II, không đủ điều kiện để kiểm tra trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được vận dụng các quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học gồm: Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT) để hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh. 

Theo đó, các nhà trường giao quyền cho giáo viên dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. 

- Xin ông cho biết, căn cứ nào để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có hướng dẫn mới như vậy đối với các nhà trường?

- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn thành phố về việc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đó, các nhà trường chủ động rà soát các điều kiện, nếu đáp ứng các yêu cầu tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên thì xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp (trường thuộc quận, huyện, thị xã báo cáo phòng giáo dục và đào tạo; trường trực thuộc Sở báo cáo Sở). 

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều trường triển khai tốt việc kiểm tra trực tuyến ở các lớp và tổ chức tổng kết năm học. Tuy nhiên, cũng còn một số trường điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, kết nối đường truyền internet chưa ổn định; một số nơi, phụ huynh học sinh không có đủ các trang thiết bị để hỗ trợ con trong việc kiểm tra trực tuyến, một số học sinh lớp 1 và lớp 2 chưa thành thạo với hình thức kiểm tra này... 

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, phụ huynh và học sinh lớp 1, lớp 2, Sở đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý về chủ trương dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. 

- Có ý kiến phụ huynh cho rằng, với hướng dẫn mới này, học sinh lớp 1 và lớp 2 trên địa bàn thành phố không bắt buộc phải làm bài kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học theo hình thức trực tuyến, đúng không ạ? Liệu có sự thiếu công bằng trong việc kiểm tra, đánh giá bằng các hình thức khác nhau không, thưa ông?

- Tôi nhấn mạnh rằng, nội dung này chỉ áp dụng đối với các trường chưa hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ II năm học 2020-2021 và không đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. 

Trước diễn biến phức tạp và còn có nguy cơ kéo dài của dịch Covid-19, học sinh chưa thể đến trường để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, trong khi năm học mới 2021-2022 đang tới gần, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho mọi đối tượng học sinh. 

Với các trường đủ điều kiện, phụ huynh và học sinh cũng sẵn sàng về mọi mặt, thì tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Tôi cho rằng, thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội thuận lợi nhất để cha mẹ học sinh dành sự quan tâm, hướng dẫn con trong học tập, làm bài kiểm tra trực tuyến và có thể giám sát việc làm bài của con tốt nhất. Đây cũng là cơ hội để học sinh được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc học tập, kiểm tra theo hình thức trực tuyến, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19 trong thời gian tới. 

- Trân trọng cảm ơn ông! 

 Thống Nhất - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1008227/ha-noi%C2%A0hoc-sinh-lop-1-2-o-noi-kho-khan-khong-phai-lam-bai-kiem-tra-truc-tuyen-cuoi-nam