Hà Nội huy động cán bộ đẩy nhanh công tác duyệt hồ sơ "luồng xanh"
Kinhte&Xahoi
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện phần mềm cấp thẻ “luồng xanh” vận tải đã hoạt động ổn định. Đến thời điểm này, Sở đã tiếp nhận gần 37.000 hồ sơ xin cấp thẻ "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa.
Hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang huy động cán bộ đẩy nhanh công tác trực duyệt hồ sơ "luồng xanh" để tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tính đến thời điểm này đơn vị đã tiếp nhận gần 37.000 hồ sơ xin cấp thẻ "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa.
Hà Nội huy động cán bộ đẩy nhanh công tác trực duyệt hồ sơ "luồng xanh"
Trong đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp được 9.900 hồ sơ. Còn lại hồ sơ không đạt lên đến hơn 21.500, chờ duyệt hơn 4.000 hồ sơ. Trong ngày 27/7/2021, phần duyệt luồng xanh đã hoạt động ổn định trở lại và Sở Giao thông vận tải đã duyệt, cấp được hơn 1.800 hồ sơ.
Đối với việc cấp mã xác nhận xe hai bánh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp nhận hơn 13.300 xe (trong số này Sở Thông tin và Truyền thông hơn 12.600 xe, Sở Công thương 699 xe), đã gửi mã xác nhận 6.999 xe môtô và xe hai bánh. Số hồ sơ từ chối 260 xe do số xe không phải xe môtô hai bánh và số điện thoại không đúng.
Theo Văn phòng Sở Giao thông vận tải, đến ngày 28/7/2021 tất cả các chốt giao thông đều ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Hiện Hà Nội cũng tổ chức đếm xe tại 20/23 chốt, hầu hết các chốt đều đang có mật độ phương tiện ra vào cao. Cụ thể, nút 5 cầu Phù Đổng với 1.333 xe (xe ôtô 1.215 xe, xe máy 118 xe); chốt 10 QL18 ( ô tô 807 xe, xe máy 24 xe)...
Trước đó, theo Báo cáo của Tổng cục Đường bộ gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 26/7, đã có nhiều cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào hệ thống Server lưu trữ dữ liệu tại Cổng thông tin luongxanh.drvn.gov.vn.
Cụ thể, các cuộc tấn công xuất phát từ những giải IP động, chưa xác định được đối tượng tấn công và địa điểm tấn công với mục đích phá hoại và làm tê liệt hệ thống.
Thống kê trong ngày 26/7 cho thấy, hệ thống bị tấn công với tần suất trung bình 500 request/giây, tương đương 720.000 request/giờ. Cuộc tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán) này đã làm cho hệ thống thường xuyên bị treo, gián đoạn hoạt động, khiến cho cán bộ xử lý hồ sơ tại các Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành phố không thể phê duyệt hồ sơ.
Sau khi hệ thống bị tấn công, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục và xử lý sự cố. Được biết, hệ thống bị gián đoạn hoạt động trong khoảng 8 giờ và hiện các bên vẫn đang hỗ trợ xử lý, khắc phục sự cố.
Đến 18 giờ 30 phút ngày 26/7, với sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển toàn bộ dữ liệu và một phần hệ thống phần mềm đến cụm máy chủ khác để đảm bảo an toàn thông tin và hạn chế các cuộc tấn công tiếp theo vào hệ thống. Phần còn lại của hệ thống phần mềm tiếp tục được chuyển sang cụm máy chủ mới trong tối ngày 26/7.
Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an hỗ trợ điều tra, truy tìm thông tin của đối tượng đã tấn công vào hệ thống cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực tế những ngày vừa qua, giải pháp cấp thẻ nhận diện phương tiện được ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" đã góp phần tạo thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Thanh Tùng - TTTĐ