Nghiêm túc, bài bản
Sáng 22/4, học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức có mặt đầy đủ lúc 6 giờ 30 phút. Tại khu vực cổng trường, sơ đồ, danh sách phòng thi, số báo danh, hiệu lệnh trống… được niêm yết công khai đầy đủ. Các thí sinh đến đúng giờ, tranh thủ ôn bài và tra cứu lại số báo danh kỹ lưỡng một lần nữa trước khi lên phòng thi. Từ cổng trường và khu vực các phòng thi đều có cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cùng đoàn công tác Sở GD&ĐT kiểm tra tại điểm thi trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm)
Nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Phó trưởng điểm thi cho biết: Tại điểm thi trường THPT Việt Đức có hơn 700 thí sinh tham dự khảo sát với 31 phòng, trong đó có 30 phòng chính thức và 1 phòng dự phòng, mỗi phòng có 24 thí sinh ngồi đúng số báo danh theo quy định. Các thí sinh đều là học sinh trường THPT Việt Đức nhưng để bảo đảm nghiêm túc trong khâu coi thi, cán bộ giám sát được huy động từ trường THPT Trần Phú.
“Trước khi kỳ thi thử diễn ra, học sinh được tổng ôn tập kiến thức của tất cả các môn thi. Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đã phổ biến để thí sinh nắm được một số quy định, quy chế của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022; ngoài việc thông báo đầy đủ, rõ ràng thì lịch thi, phòng thi, số báo danh và thông báo liên quan đến kỳ thi được trường chuyển lên các kênh thông tin khác nhau để thí sinh tra cứu. Các lớp 12 cũng có buổi họp phụ huynh qua Zoom để gia đình nắm được về tinh thần của kỳ thi, đồng thời có hình thức phối hợp, quan tâm, động viên con mình”- nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.
Tại điểm thi trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) có 272 thí sinh chia làm 12 phòng thi với 42 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Mọi công tác của kỳ khảo sát được tiến hành giống kỳ thi thật nhằm mục đích tập dượt toàn diện cho thí sinh về cả quy chế, cách thức, kiến thức và tâm lý khi bước vào phòng thi.
Nguyễn Thái Dũng, thí sinh tại điểm thi trường THPT Việt Đức cho hay: “Em coi đây là cơ hội quan trọng để khảo sát kiến thức. Tuy đã chuẩn bị khá kỹ về tâm lý nhưng khi bước vào phòng thi em vẫn hơi run và lo lắng. Em sẽ cố gắng hoàn thành các bài thi, nhất là về kỹ năng phân bố thời gian khi làm bài để có thêm kinh nghiệm cho bản thân”.
Đợt tập dượt quan trọng
Được biết, trong kỳ khảo sát học sinh lớp 12, toàn TP chia làm 16 cụm trường. Hiệu trưởng trường cụm trưởng xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức kiểm tra khảo sát, bảo đảm nguyên tắc chung là an toàn, nghiêm túc, khách quan và đạt kết quả trung thực, phản ánh đúng chất lượng dạy, học. Tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị có thể trộn học sinh của một số trường ở gần nhau, hoặc học sinh trường nào làm bài kiểm tra tại trường đó để các em không phải di chuyển quá xa và không gây áp lực. Đề thi sẽ là đề chung do Sở GD&ĐT xây dựng trên cơ sở cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố; công tác chấm thi được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi trước khi làm bài
“Kỳ khảo sát này có hình thức như kỳ thi thật và có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong năm học 2021- 2022, học sinh có thời gian dài học trực tuyến. Kỳ thi này trước hết muốn đánh giá kết quả học trực tuyến của học sinh; giúp các em làm quen với trường thi, bài thi, phòng thi… Và mục đích lớn hơn nữa là trên cơ sở kết quả của kỳ thi, các nhà trường, thầy cô giáo sẽ có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả trong thời gian ôn tập còn lại, quan tâm đến những học sinh có lực học chưa tốt hoặc học sinh có hoàn cảnh khó khăn...”- Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) Lê Hồng Vũ cho biết.
Trực tiếp làm nhiệm vụ, thầy giáo Trần Xuân Trường, giáo viên Toán, trường THPT Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: Trước kỳ khảo sát, ngoài việc củng cố, bổ sung kiến thức, chúng tôi lưu ý những điểm mà thí sinh tham dự các kỳ thi năm trước thường mắc như: Đem điện thoại vào phòng thi, làm nhầm mã đề, quên điền số báo danh, quên ký số tờ giấy thi... Việc đến đúng giờ, chấp hành đúng hiệu lệnh trống cũng được nhắc nhở kỹ, bởi theo quy chế thi, nếu đến chậm quá 15 phút sau hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được vào thi. Đội ngũ giáo viên cũng xác định đây là đợt tập dượt ý nghĩa, thêm kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt nhiệm vụ trong kỳ thi chính thức.
Còn nhà giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) nhận định: Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, nhà trường tổ chức các khâu như một kỳ thi thật. Cán bộ giám sát khâu coi là giáo viên đến từ trường THPT Thạch Bàn. Bài kiểm tra của thí sinh ở các trường trong cụm Gia Lâm - Long Biên sẽ được chấm tập trung theo hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT, từ đó giúp các nhà trường xác định mức độ đáp ứng yêu cầu của học sinh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ.
Theo kế hoạch, đợt khảo sát của học sinh lớp 12 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/4. Học sinh lớp 12 THPT sẽ kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Học viên học chương trình giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý).
Khoảng đầu tháng 5/2022, các đơn vị sẽ hoàn thành việc chấm bài kiểm tra khảo sát. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý không bắt buộc các trường THPT, trung tâm GDNN- GDTX sử dụng điểm kiểm tra khảo sát; Tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng tuyệt đối không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ.
Sáng 22/4, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội do Giám đốc Trần Thế Cương dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức tại điểm thi trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Ghi nhận chung, công tác tổ chức thi được tiến hành bài bản, đúng quy chế; các thí sinh đều nỗ lực, nghiêm túc trong làm bài thi, chấp hành đầy đủ quy định được phổ biến. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng động viên các thí sinh cố gắng hết sức trong làm bài thi, coi đây là đợt tập dượt để vững vàng tâm lý, kiến thức trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
|
Nam Du - KTĐT