Hà Nội: Không để "tín dụng đen" tiếp cận công nhân lao động

29/08/2022 19:39

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động tham mưu cấp ủy, đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, nhất là ở các khu công nghiệp, chế xuất, những nơi có đông công nhân lao động…

“Tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức

 Thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Hoạt động “tín dụng đen” cũng biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.

Các cấp công đoàn cần triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ để hỗ trợ người lao động

Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.

Chị Nguyễn Thị Thủy (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang làm công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: "Thời điểm năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, công việc bị ảnh hưởng khiến cho cuộc sống gia đình tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong lúc không biết bám víu vào đâu, tôi được một người bạn giới thiệu cho vay tiêu dùng không thế chấp. Thấy yêu cầu của người cho vay chỉ cần giấy tờ tùy thân nên tôi đã vay tạm 5 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt.

Trong hai tháng đầu, tôi vẫn trả cả gốc và lãi theo thỏa thuận của hai bên. Đến tháng thứ ba, bên cho vay yêu cầu tôi phải hoàn trả lại gốc nếu không sẽ tính lãi suất cao lên. Do không có việc làm ổn định, nguồn thu bị cắt giảm, nhà lại đang nuôi con nhỏ nên tôi đành nhắm mắt chịu nộp lãi cao hơn để đảm bảo cuộc sống”, chị Thủy chia sẻ.

Với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn,... "tín dụng đen" có điều kiện len lỏi vào đời sống của người dân và công nhân lao động.

Nhiều người đang lâm vào tình cảnh khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, phải bức bách lo khoản tiền trang trải cho những nhu cầu của cuộc sống hằng ngày, trong khi thu nhập từ tiền công, tiền lương bị giảm sút. Lãi cao thì khó trả, các đối tượng cho vay chuyển sang đe dọa người vay vốn, thậm chí bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cả lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.

Cần có biện pháp bảo vệ công nhân khỏi nạn vay nặng lãi

 Để ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lại, trong công nhân lao động, Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; Không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.

Với những cơ sở có đông công nhân lao động, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, Công đoàn cần phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của vay nặng lãi để chủ động phòng ngừa.

Bên cạnh đó Công đoàn các cấp cần tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như về tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ; Có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn như trao Mái ấm Công đoàn, trợ cấp khó khăn.

Các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội còn chỉ đạo các cấp Công đoàn Hà Nội phổ biến rộng rãi tới công nhân về gói vay 20.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từ đó có biện pháp bảo vệ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động ngăn ngừa tội phạm manh động.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn cần sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; Chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những công nhân đang thực sự khó khăn về tài chính.

Trường hợp có công nhân lao động gặp khó khăn đột xuất, Công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên Công đoàn cấp trên để được hỗ trợ…

Để tín dụng đen không bủa vây người lao động, giải pháp căn cơ vẫn là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, đưa tiền hỗ trợ đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở lại sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, để họ có thu nhập trang trải và ổn định cuộc sống.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-khong-de-tin-dung-den-tiep-can-cong-nhan-lao-dong-204562.html