“Xử lý” trước mắt các nhà nguy hiểm
Theo kế hoạch cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội, trong đợt 1, Hà Nội sẽ ưu tiên 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D tại các phường Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp; 6 khu có tính khả thi cao tại các phường Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Theo đó, Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; Khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.
Các khu nhà nguy hiểm cấp D đang được 4 quận huyện gấp rút di dời người dân, khảo sát hiện trạng, lựa chọn nhà đầu tư
Là quận có 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D, được ưu tiên triển khai trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND TP, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết: Hiện có 2 nhà đã hoàn thành di dời các hộ dân là Đơn nguyên 1,3 Tập thể Bộ Tư pháp, Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh.
Với 24 hộ chưa di dời, trong đó Đơn nguyên 1,2 nhà G6A Thành Công còn 23 hộ; Đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ còn 1 hộ, hiện UBND quận Ba Đình đang giao các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ di dời; Đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế nếu các hộ cố tình chống đối.
Tại quận Đống Đa, có 3 khu chung cư cũ đề xuất cải tạo trong giai đoạn 1 gồm: Khu tập thể Kim Liên (42 nhà chung cư, trong đó có 17 nhà đã hoàn thành kiểm định); Khu tập thể Trung Tự (29 nhà chung cư, có 19 nhà đã hoàn thành kiểm định); Khu tập thể Khương Thượng (23 nhà chung cư, có một nhà được kiểm định)
Tại buổi kiểm tra kiểm tra thực địa công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại quận Ba Đình và Đống Đa của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng mới đây, lãnh đạo quận Đống Đa đã đề xuất khu chung cư cũ có điều kiện triển khai ngay là khu tập thể Khương Thượng do nằm trong khu vực thuận lợi giao thông và nằm trọn trong một ô quy hoạch. Nơi đây chỉ có 16 hộ dân xen kẹt giữa các nhà chung cư cũ do đó dễ dàng thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu cải tạo bốn nhà B trước (B1, B2, B3, B4), để xây dựng một nhà chung cư mới, sau đó tái định cư tại chỗ và các nhà khu A, sau đó tiếp tục thực hiện phần còn lại...
Đề xuất này cho thấy sự quyết tâm chính trị cao trong công tác cải tạo chung cư cũ đã từ TP đã lan tới các địa phương; Kỳ vọng tháo gỡ dần những nút thắt được coi là khó trong nhiều năm qua.
Thực hiện quyết liệt để tạo chuyển biến rõ nét
Nhìn lại, hơn 1 năm trở lại đây, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đã được khởi động trở lại với những quyết sách phù hợp và kịp thời.
Trong năm 2022, TP đã tạm cấp cho các quận, huyện thực hiện công tác kiểm định chung cư cũ gồm: Hoàn Kiếm (17 tỷ); Ba Đình (10,8 tỷ); Đống Đa (18,5 tỷ); Thanh Xuân (2,9 tỷ); Tây Hồ (3 tỷ); Cầu Giấy (23,5 tỷ); Hoàng Mai (27,7 tỷ); Long Biên (2,9 tỷ): Hai Bà Trưng (15,4 tỷ); Hà Đông (3,58 tỷ); Đông Anh (2,6 tỷ); Bắc Từ Liêm (3,981 tỷ).
Ngoài ra, TP đã tạm cấp kinh phí cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập quy hoạch tổng mặt bằng với tổng số tiền khoảng 22,125 tỷ đồng
TP cũng đã đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; Rà soát 11 dự án, trong đó 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và 1 chung cư đang trình UBND TP chấp thuận chủ đầu tư; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại, ban hành kế hoạch để triển khai...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đã được UBND TP đề ra.
Các kế hoạch về tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn TP; Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP đợt 1, đều có hạn hoàn thành trong năm 2022 nhưng đã bị “trượt” tiến độ. Đặc biệt, việc chậm triển khai công tác nghiên cứu lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và công tác xử lý các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D.
Một trong những nguyên nhân của việc triển khai chậm được chỉ rõ là do ý thức quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, chỉ đạo của TP; Sự thiếu đồng bộ và nặng về thủ tục hành chính trong công tác phối hợp giữa các cấp, ngành...
Để đảm bảo các kế hoạch đã đề ra, năm 2023, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị, Sở, ngành, quận, huyện liên quan cần vào cuộc với quyết tâm lớn, quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai các bước cải tạo, đặc biệt là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân.
Huy Dương - TTTĐ